24 việc chủ yếu mà doanh nghiệp cần lưu ý trong mảng lao động

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 24/08/2017 - 7254 lượt xem.

Mảng lao động là một mảng quan trọng, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp chú ý, vì vậy khi có kiểm tra việc bị phạt tiền là không thể tránh khỏi.

Vì thế hôm nay Webketoan sẽ chia sẻ đến độc giả 24 việc chủ yếu mà doanh nghiệp cần làm trong mảng lao động này:

1. Thực hiện khai trình, báo cáo tình hình sử dụng lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 (Mẫu số 05)

2. Thực hiện việc báo cáo định kỳ tình hình sử dụng, thay đổi về lao động theo quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 6 của Bộ luật Lao động 2012, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH
(Mẫu số 07)

3. Thực hiện lập và sử dụng sổ quản lý lao động theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 23.

4. Xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, định mức lao động theo quy định Điều 93 của Bộ luật Lao động 2012 và Chương III Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013.

5. Thực hiện tham gia và đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đảm bảo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.

6. Xây dựng và đăng ký Nội quy lao động của đơn vị theo quy định Điều 119, Khoản 1, Khoản 2 Điều 120 của Bộ luật Lao động năm 2012, Chương V Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 (Nghị định 05) và Chương III Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015.

7. Xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ cơ sở; Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013.

8. Thương lượng, ký kết và gửi Thỏa ước Lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định Chương V của Bộ luật Lao động năm 2012, Chương III Nghị định 05 và Điều 3 Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 (việc này là tùy nghi, không bắt buộc).

9. Thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng , thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lao động và thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 02/03/2016 và Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 (nếu có sử dụng người lao động nước ngoài).

10. Xây dựng và ban hành Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 05 (Nội dung này nằm trong quy chế lao động của công ty. Cần lưu ý là phải có nội dung này thì mới có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012).

11. Thực hiện thủ tục thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp theo quy định Khoản 1, Khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Lao động 2012 và Điều 5 Luật Công đoàn 2012 (Việc này cũng không bắt buộc mà tùy vào số lượng người lao động muốn tham gia công đoàn của công ty).

12. Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại đơn vị theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 (nếu có); báo cáo định kỳ tình hình tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 (Nghị định 39).

13. Báo cáo định kỳ hàng năm về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016.

14. Khai báo về tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 10 Nghị định 39 (nếu có).

15. Theo dõi, quản lý, khai báo về việc sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 Điều 16 Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 (Nghị định 44) (nếu có); Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016.

16. Bố trí cán bộ làm công tác An toàn vệ sinh lao động chuyên trách theo quy định tại Điều 36 Nghị định 39.

17. Bố trí cán bộ làm bộ phận y tế theo quy định Điều 37 Nghị định 39.

18. Thực hiện bồi dưỡng hiện vật cho người làm trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại (nếu có) theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013.

19. Rà soát, phân loại và tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 17 Nghị định 44.

20. Tổ chức khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

21. Lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động, hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016.

22. Thực hiện cấp phát, theo dõi phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo quy định tại Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/2/2014.

23. Xây dựng và thực hiện kế hoạch An toàn, vệ sinh lao động hằng năm; Nội quy an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp cho từng khu vực làm việc; Biện pháp làm việc an toàn cho từng loại công việc; Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; Đánh giá rủi ro về An toàn, vệ sinh lao động; Phương án xử lý sự cố kĩ thuật gây mất An toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp theo quy định tại Điều 15, 18, 76, 77, 78 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

24. Xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/2/2017.

Nguồn: Thư viện pháp luật