400 tấn vàng trong dân có nguy cơ không thể huy động

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 17/01/2013 - 8644 lượt xem.

Khi Ngân hàng Nhà nước áp lệnh siết vàng miếng, sẽ có một kịch bản rất xấu đó là xuất hiện thị trường vàng chui. Khi đó Nhà nước khó kiểm soát, thậm chí không thể huy động được 400 tấn vàng trong dân – trái với mong muốn sẽ tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi này.

TS Lê Đăng Doanh đã dự báo như vậy sau gần một tuần áp lệnh siết vàng miếng.

Bước đầu kiểm soát được giá

Điểm được nhất kể từ khi vàng miếng được đưa vào vòng kiểm soát đó là giá vàng đang dần được kéo gần với giá vàng thế giới.

Sau mấy ngày triển khai Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt và lùi sâu về quanh vùng 44-45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tín hiệu bước đầu cho thấy có phần khả quan trong khâu kiểm soát giá.

Trên thị trường tự do, ngày 15/1, giá vàng miếng SJC được giao dịch với giá 44.300 đồng – 44.600 đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC có giá 44.650 đồng – 44.950 đồng (mua vào – bán ra).

Giá vàng miếng SJC tại các ngân hàng (NH) cũng liên tục biến động mạnh, còn 44,2 – 44,6 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch giữa giá mua – bán vàng miếng SJC từ 220.000 – 500.000 đồng/lượng. Ngược với diễn biến giá vàng trong nước, giá vàng thế giới cùng ngày tăng nhẹ 3 USD/ounce, lên 1.669 USD/ounce.

Hiện giá vàng miếng SJC đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 5 tháng trở lại đây và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới, chỉ còn 2,8 triệu đồng/lượng thay vì mức 4 – 5 triệu đồng/lượng như trước.

Nguy cơ không huy động được vốn nhàn rỗi

Siết vàng miếng, cấm dân mua ở những địa chỉ không được đăng ký, doanh nghiệp chuyển sang đánh nhẫn to, đóng vỉ để bán là một thực tế diễn ra suốt gần một tuần qua.

Cộng với tâm lý thói quen của người dân ngại vào các ngân hàng thương mại mua vàng vì ở đây chỉ làm việc giờ hành chính, dân càng muốn tìm đến các cửa hàng hơn khi họ đáp ứng được yêu cầu nhanh, gọn và linh hoạt.

Nhưng sự ‘linh hoạt’ của doanh nghiệp và tâm lý người bán e ngại của người những nơi mua bán theo giờ hành chính là các ngân hàng thương mại khiến nhà nước khó mà huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của dân

“Theo tôi thực tế sẽ dẫn đến một kịch bản thứ hai đó là xuất hiện một thị trường vàng chui”.-TS Lê Đăng Doanh

Theo thông tin từ các cửa hàng kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh sau khi có lệnh của Ngân hàng Nhà nước về siết vàng miếng, số lượng vàng nhẫn tiêu thụ đã tăng gấp 5 – 6 lần so với trước.

Nhiều đại lý các tỉnh lẻ đã gom với số lượng lớn vàng nhẫn đóng vỉ để bán cho người dân. Đối với các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức tại Hà Nội, hiện không ít đơn vị chuyển sang mua vàng nhẫn đóng vỉ này.

Lực cầu về vàng nhẫn đóng vỉ bắt đầu xuất hiện mạnh hơn từ phía người dân, đặc biệt tại những tiệm vàng ở các khu vực mạng lưới mua bán vàng miếng chưa phủ sóng tới, hoặc còn thưa thớt.

Theo TS Lê Đăng Doanh, động thái siết vàng miếng một cách mạnh mẽ, từ hơn 8.000 điểm giờ chỉ còn 2.500 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự quyết tâm quản lý thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tất cả mọi người sẽ phải tuân thủ pháp luật và hy vọng đến một kết quả tốt đẹp.

Thế nhưng, “Theo tôi thực tế sẽ dẫn đến một kịch bản thứ hai đó là xuất hiện một thị trường vàng chui. Chuyện các doanh nghiệp đã “lách” bằng cách đánh nhẫn to và đóng gói nhẫn để bán cũng là điều dễ hiểu. Thực tế này khiến Nhà nước có nguy cơ không huy động được khoảng 300-400 tấn vàng trong dân thực sự là một điều rất đáng tiếc”, TS Doanh nói.

Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sau khi mạng lưới vàng miếng thu hẹp lại, nhu cầu vàng nhẫn đóng vỉ của người dân là có thật.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, hiện nay vàng nhẫn đóng vỉ theo khái niệm trong luật, các văn bản hướng dẫn vẫn được coi như vàng trang sức.

Bích Ngọc

 Theo Đất Việt