5 bước thực hiện mục tiêu Tiết kiệm

Đăng bởi: Hân Trần - Tuesday 04/04/2023 - 730 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ II: QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN – MỤC TIÊU TIẾT KIỆM

BÀI 9: 5 BƯỚC THỰC HIỆN MỤC TIÊU TIẾT KIỆM

Sự khác biệt lớn nhất giữa Tiết kiệm và Đầu tư là Rủi ro. Các tài khoản đầu tư có độ biến động về hiệu suất lợi nhuận cao. Vì vậy, quyết định lựa chọn tiết kiệm hay đầu tư tùy thuộc mục tiêu ngắn hạn và khẩu vị rủi ro của bạn.

Nếu bạn cần tiền trong vòng 1-2 năm tới, thì số tiền đó nên được tiết kiệm, không nên đầu tư. Nhưng nếu bạn không cần nó trong ít nhất 5 năm và bạn cảm thấy thoải mái khi chấp nhận một số rủi ro, đầu tư có thể là một lựa chọn tốt hơn. Điều quan trọng là phải cân bằng các mục tiêu tích lũy của bạn với mục tiêu trả nợ vay nếu có.

  • Nếu bạn có các khoản vay lãi suất cao, bạn nên ưu tiên trả nợ
  • Nếu bạn có các cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao hơn lãi vay, bạn nên duy trì khoản vay

Do vậy chúng ta có thể hướng tới nhiều mục tiêu cùng 1 lúc: mục tiêu trả nợ, mục tiêu tiết kiệm, mục tiêu đầu tư… Lộ trình tài chính đòi hỏi chúng ta phải có kỷ luật, quyết tâm, một chút chiến lược và kế hoạch chi tiết, cụ thể và tất nhiên là đòi hỏi cả thời gian.

 5 BƯỚC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TIẾT KIỆM

 BƯỚC 1 : Sử dụng các tài khoản riêng biệt cho các mục tiêu khác nhau. Sử dụng 1 tài khoản riêng cho 1 mục tiêu giúp bạn thấy rõ sự tăng trưởng, và đó là một phần rất quan trọng trong việc duy trì động lực và giúp bạn đi đúng hướng.

Giả sử bạn có hai mục tiêu tiết kiệm : Lập Quỹ Dự phòng khẩn cấp và Khoản tiền 30% để mua 1 căn hộ, bạn nên sử dụng hai tài khoản riêng biệt.

  • Nếu bạn không sử dụng các tài khoản riêng biệt, bạn gộp mọi thứ lại với nhau trong một tài khoản tiết kiệm lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mất việc và bạn phải bắt đầu sử dụng tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình cho đến khi bạn tìm được một công việc mới ? Mỗi khi bạn rút tiền ra khỏi khoản tiết kiệm của mình, bạn sẽ tự hỏi, tôi đang lấy tiền từ Lập Quỹ Dự phòng khẩn cấp hay từ Quỹ tích lũy để mua căn hộ ? Tôi có thể lấy số tiền này ra không ? Tôi có thể sử dụng bao nhiêu?
  • Nếu bạn có các tài khoản riêng biệt, bạn thực sự sẽ nắm rõ và yên tâm rằng khoản tiền mà bạn đang sử dụng để thanh toán chi phí lấy từ Quỹ Dự phòng khẩn cấp, sử dụng đúng mục đích khi bạn xây dựng Quỹ Dự phòng, chứ không phải đang chi tiêu vào khoản tiền tiết kiệm để mua căn hộ.

BƯỚC 2 : Tiền phải được đầu tư sinh lời. Trong suốt giai đoạn tích lũy tiền cho 1 mục tiêu nào đó, tiền có thể tạo ra lợi nhuận thông qua hình thức đơn giản nhất là gởi tiết kiệm. Thông thường, bạn cần chọn kì hạn gởi tiền cho phù hợp, tránh rút tiền gởi tiết kiệm trước hạn và bị mất khoản lãi đã tích lũy. Tuy nhiên, trên thị trường hiện đã có sản phẩm tiết kiệm linh hoạt, bạn rút tiền trước hạn thì phần còn lại chưa rút vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu.

Tùy theo đây là khoản tiền tích lũy cho mục tiêu ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn mà chúng ta chọn cách thức đầu tư tiền cho phù hợp. VD : nếu chúng ta sẽ sử dụng tiền cho mục tiêu ngắn hạn thì không đầu tư vào cổ phiếu, là sản phẩm phù hợp với đầu tư dài hạn.   

BƯỚC 3 : Cam kết duy trì tích lũy tiền vào các tài khoản như đã định trước. Nếu thu nhập của bạn cố định thì đơn giản chỉ cần trích ra 1 mức đã qui định. Nếu thu nhập của bạn dao động, thì có thể xác lập mức tích lũy là tỉ lệ % thu nhập. Khi đó, tiền tích lũy sẽ cao khi thu nhập của bạn tăng và ít hơn khi thu nhập giảm.

BƯỚC 4 : Thiết lập tự động tích lũy tiền, tự động chuyển tiền từ tài khoản nhận thu nhập sang tài khoản tiết kiệm. Thay vì hàng tháng lại phải suy nghĩ nên tiết kiệm bao nhiêu, và chuyển tiền 1 cách thủ công, việc thiết lập tự động tích lũy tiền giúp bạn loại bỏ suy nghĩ “tháng này có tiết kiệm tiền hay không, tiết kiệm bao nhiêu … “, giúp bạn đi đến mục tiêu bền bỉ hơn.

BƯỚC 5 : Và đừng quên thiết lập việc gởi tiết kiệm tự động để tối ưu hóa lợi nhuận. Nhiều app ngân hàng đã có tính năng này. Kiểm tra số dư các tài khoản định kì và theo dõi sự tiến triển trong việc tích lũy và tăng trưởng tiền trong các tài khoản.

Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy hài lòng khi từng mục tiêu của mình đạt được theo thời gian.