CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
BÀI 2 : 6 LỜI KHUYÊN TÀI CHÍNH MÀ BẠN KHÔNG NÊN LÀM THEO
1. KHÔNG BAO GIỜ SỬ DỤNG THẺ TÍN DỤNG
Nhiều chuyên gia tài chính sẽ khuyến khích bạn không sử dụng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ tín dụng có trách nhiệm, chúng có thể giúp bạn kiếm được điểm thưởng du lịch mà bạn có thể sử dụng để đi du lịch không tốn kém, các chương trình hoàn tiền thẻ tín dụng cho các mục đích như mua sắm, du lịch, khám chữa bệnh, chi trả bảo hiểm … Điều này giúp chúng ta có thể thu về một khoản nhỏ, đặc biệt hữu ích cho các gia đình có thêm ngân sách cho du lịch, tiết kiệm chi phí.
Để nhận điểm thưởng thẻ tín dụng, bạn có thể thực hiện chi trả qua thẻ tín dụng, kiếm điểm khi đăng ký, kiếm điểm từ việc giới thiệu thành viên …
VD Hiện tại, có chương trình hoàn tiền lên đến 15%, tối đa 600k, cho các khoản chi tiêu trực tuyến, với tổng giao dịch từ 10tr/tháng.
Bạn cũng cần tìm hiểu các điều kiện yêu cầu để có thể miễn phí thẻ thường niên. Có rất nhiều chương trình tích điểm thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu của bạn. Chỉ cần bạn nhớ phải thanh toán đúng hạn, và khi bạn thanh toán toàn bộ dư nợ trong kỳ, bạn không phải trả lãi.
2. ĐỪNG PHÍ TIỀN CHI TIÊU CÁC NHU CẦU, TIỆN ÍCH
Các chuyên gia tài chính thường khuyến cáo rằng bạn không nên tiêu xài các sản phẩm dịch vụ tiêu dùng, để thỏa mãn nhu cầu không thiết yếu. VD như việc mua một ly latte, trà sữa xấp xỉ 70k trên đường đi làm mỗi ngày, trong dài hạn thì “thất thoát” một số tiền lớn.
Tuy nhiên, nếu dùng số tiền này để thuê người đến giúp việc nhà để chúng ta tái tạo sức lao động sau giờ làm việc, dùng thời gian đó để chúng ta kiếm được số tiền lớn hơn, thì rất hợp lý.
Điều bất hợp lý là quan điểm “Tự tay làm những gì bạn có thể để tiết kiệm”. Đúng vậy, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền, tuy nhiên nó sẽ “đánh cắp” thời gian mà bạn dành cho gia đình và bạn bè. Vì vậy, nếu có khả năng chi trả, bạn có thể thuê ngoài các công việc đơn giản, khi đó chúng ta sử dụng hiệu quả thời gian hơn, dành thời gian chất lượng cho bản thân và gia đình…
3. NỢ NẦN LÀ XẤU
Có phải tất cả các khoản nợ đều xấu? Chúng ta cần hiểu rằng : khi nợ được sử dụng một cách khôn ngoan, đó là một nguồn tài nguyên tuyệt vời. VD như khi bạn sử dụng nợ để tài trợ cho các giao dịch mua quan trọng, như mua BĐS, nợ đóng vai trò như đòn bẩy tài chính, thúc đẩy việc gia tăng tài sản tốt hơn, miễn là chúng ta quản trị nợ hiệu quả.
Trong thực tế, Đòn bẩy tài chính là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta gia tăng tài sản mạnh mẽ hơn, mặt khác nó có thể làm chúng ta lún sâu trong nợ nần. Điều quan trọng là chúng ta hiểu được bản chất của Đòn bẩy tài chính và tận dụng nó hiệu quả nhất.
Không phải tất cả các khoản nợ đều xấu, nợ có thể giúp bạn gia tăng giá trị tài sản ròng của bạn và đạt được các mục tiêu tài chính tốt hơn.
4. KHOẢN ĐẦU TƯ NÀY CÓ RẤT ÍT HOẶC KHÔNG CÓ RỦI RO
Khi nghe một Chuyên gia tài chính nói với bạn rằng một lựa chọn đầu tư này có “ít hoặc không có rủi ro” thì đó là dấu hiệu xấu. Các khoản đầu tư có các mức độ rủi ro khác nhau. Bất kỳ Chuyên gia tài chính nào cố gắng giảm thiểu rủi ro của khoản đầu tư thì có nghĩa họ đang cố gắng bán cho bạn thứ gì đó.
Nhận biết việc đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro là một phần cốt lõi trong kế hoạch tài chính. Ngoài ra, bạn nên lưu tâm đến những đánh giá cá nhân của riêng mình về mức độ rủi ro của một khoản đầu tư.
5. NGÔI NHÀ CỦA BẠN LÀ MỘT KHOẢN ĐẦU TƯ
Một số Chuyên gia tài chính vẫn tư vấn với khách hàng rằng nhà của họ là một khoản đầu tư. Điều này khiến mọi người bối rối, không rõ khoản đầu tư thực sự là gì. Thực tế, tùy thuộc vào mục đích sử dụng và loại hình nhà ở mà chúng ta nên xem xét nhà là một khoản đầu tư hay không, chúng ta có thể xem xét một vài trường hợp sau :
- Nếu bạn mua ngôi nhà của mình với mục đích duy nhất là bán nó để kiếm lời trong vòng vài năm, thì đây là một khoản đầu tư.
- Nếu căn hộ bạn đang ở đã nhận bàn giao nhiều năm, căn hộ có thiết kế lỗi thời, chất lượng căn hộ giảm … các Chuyên gia tài chính sẽ khuyến nghị rằng bạn nên bán căn hộ và mua căn hộ khác, để đảm bảo hiệu suất đầu tư không bị sụt giảm quá nhiều, đây cũng có thể xem như một khoản đầu tư.
- Tuy nhiên, khi bạn mua ngôi nhà của mình với mục đích duy nhất là ở trong nhiều năm, trong một thời gian tới chưa có ý định bán, vì vị trí thuận tiện, vì đây là căn nhà được thiết kế riêng… và bạn đã có nguồn vốn đầu tư khác, thì ngôi nhà này không là khoản đầu tư, ít nhất trong lúc bạn còn muốn giữ nó chỉ để ở.
Ngôi nhà của bạn không nên là một phần của chiến lược đầu tư. Coi ngôi nhà của bạn như một khoản đầu tư, hoặc thậm chí là một tài sản được đánh giá cao, có thể mang lại cho bạn cảm giác sai lầm về sức khỏe tài chính của mình. Tốt hơn hết là đưa nhà của bạn ra khỏi kế hoạch đầu tư của bạn.
6.NGỪNG CHI TIÊU, TRẢ KHOẢN VAY CÀNG SỚM CÀNG TỐT
Lời khuyên “Hãy tập trung vào việc trả hết nợ càng sớm càng tốt — bằng cách trả gấp đôi hoặc gấp ba khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng — để bạn có thể tiết kiệm tiền cho các khoản thanh toán lãi suất” : ban đầu điều này có vẻ hợp lý, cho đến khi các Chuyên gia tài chính đề nghị cắt giảm thẻ phòng tập thể dục, bỏ việc làm tóc và ăn uống bên ngoài … để biến điều đó thành hiện thực.
Điều này khiến cho cuộc sống của bạn trở nên nghèo nàn và nhàm chán. Việc cắt bỏ hoàn toàn những trải nghiệm vui vẻ là không bền vững. Thay vào đó, trọng tâm cần tập trung vào việc bạn cần thực hành chi tiêu có ý thức và phát triển các kỹ năng cần thiết để tăng thu nhập.
Ngoài ra, sau khi trả khoản nợ gốc và lãi vay hàng tháng, nếu bạn có thể đầu tư số tiền nhàn rỗi để có được hiệu suất lợi nhuận cao hơn lãi vay, thì bạn không nên trả nợ sớm. Ngược lại, khi lãi vay ở mức rất cao thì nên trả bớt nợ.
Có những góc nhìn rộng, có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, nắm bắt thông tin kinh tế xã hội vĩ mô tốt sẽ giúp chúng ta né tránh được những sai lầm trong tài chính và xây dựng được một nền tảng tài chính vững vàng hơn.
Nguồn : Hana Tran
Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )