Trên thị trường hiện có nhiều chương trình phần mềm đã hoàn thiện nhưng người mua vẫn có thể điều chỉnh các thông số để phù hợp với tình hình kinh doanh đặc thù của đơn vị mình.
Việc ứng dụng phần mềm “đóng gói” trong quản lý trong các doanh nghiệp Việt (phần mềm kế toán, quản lý kinh doanh, quản lý nhân sự…) đã trở nên phổ biến nhiều năm qua. Tuy nhiên khuôn khổ chật hẹp của phần mềm “đóng gói” áp dụng đơn lẻ tại các phòng ban không đáp ứng nhu cầu chi tiết đồng thời không giải quyết được mối liên kết giữa các phòng ban. Số liệu phải nhập lại tại mỗi phòng ban đã hạn chế rất nhiều năng suất lao động trong doanh nghiệp. Ngoài ra hệ thống thông tin trong doanh nghiệp không nhất quán và thường hay có sự sai lệch giữa các phòng ban.
Vì vậy nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phần mềm “may đo” theo nghĩa truyền thống (thiết kế và xây dựng ngay từ đầu) để thay thế cho phần mềm “đóng gói” đang sử dụng. Đây là dạng phần mềm viết theo yêu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng được nhiều yêu cầu riêng mà phần mềm “đóng gói” không đáp ứng được. Tuy nhiên phần mềm “may đo” theo nghĩa truyền thống có chi phí cao và trong quá trình sử dụng thì việc nâng cấp, sửa đổi rất khó khăn.
Để khắc phục các yếu điểm của cả phần mềm “đóng gói” và “may đo”,GREEN EFFECT đã xây dựng phần mềm theo hướng customize (chỉnh sửa được) từ nhiều năm nay. Phần mềm customize gần giống phần mềm “may đo” nhưng khác ở chỗ cho phép chỉnh sửa được trực tiếp trên phần mềm theo các yêu cầu riêng của doanh nghiệp mà ít phải lập trình tại công ty phần mềm. Đồng thời việc chỉnh sửa, nâng cấp vẫn có thể tiếp tục trong quá trình sử dụng phần mềm. Do vậy, phần mềm customize có chi phí thấp hơn nhưng khả năng đáp ứng nhiều hơn so với phần mềm “may đo”.
Phần mềm kế toán EFFECT-SQL 5.0 và hệ thống phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp ERP-Life được cải tiến với khả năng customize mạnh mẽ. Tham khảo thêm thông tin chi tiết tại đây.
Theo ông Nguyễn Văn Khương – Chủ tịch GREEN EFFECT, các công ty phần mềm sản xuất phần mềm tương tự như việc xây nhà. Khi đã thiết kế và xây xong nhà thì việc thay đổi ngôi nhà khi thấy chưa phù hợp sẽ rất khó khăn (như việc thay đổi vị trí cầu thang, kích thước các căn phòng…) và thường phải kèm theo việc đập đi xây lại từng phần hoặc toàn bộ ngôi nhà.
“Quan niệm này chỉ đúng với phần mềm ‘đóng gói’ và phần mềm ‘may đo’ theo nghĩa truyền thống nhưng không đúng với phần mềm customize. Với phần mềm customize, căn nhà cho dù đã được xây dựng xong theo như thiết kế nhưng vẫn hoàn toàn có thể dịch chuyển vị trí cầu thang, hoặc thay đổi kích thước căn phòng… một cách không quá khó khăn”, ông Khương chia sẻ.
Việc đáp ứng của phần mềm customize vào nhu cầu quản lý của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào khả năng tùy chỉnh của mỗi sản phẩm phần mềm và cách thức thực hiện của từng nhà cung cấp phần mềm. Khả năng tùy chỉnh phần mềm được đánh giá bằng tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu đặc thù riêng của doanh nghiệp chỉ bằng cách customize (chỉnh sửa) trên phần mềm mà không phải lập trình tại công ty phần mềm.
“Phần mềm customize yếu khi các yêu cầu đặc thù ban đầu hoặc các yêu cầu thay đổi trong quá trình sử dụng phần mềm không được đáp ứng ngay trên phần mềm mà cần công ty phần mềm sửa đổi tại công ty phần mềm, sau đó mới copy cho doanh nghiệp. Ngược lại phần mềm customize mạnh khi phần lớn các yêu cầu này đều được đáp ứng bằng cách customize trực tiếp, chỉnh sửa ngay trên phần mềm, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và công ty phần mềm”, ông Khương phân tích.
Để đánh giá được khả năng customize của một sản phẩm phần mềm cần nhìn vào các công cụ customize trên đó. Nếu như phần mềm cung cấp nhiều tiện ích, công cụ cho việc chỉnh sửa (kể cả các công cụ thay đổi về cấu trúc dữ liệu) để tạo ra đáp ứng cho các yêu cầu đặc thù ban đầu hoặc yêu cầu nảy sinh của doanh nghiệp (trong quá trình hoạt động) thì đó là phần mềm customize mạnh. Ngược lại nếu công ty phần mềm không chỉ ra được công cụ customize nào khả dĩ có hiệu quả thì sản phẩm phần mềm sẽ không phải là customize.
Theo báo Vnexpress.net