Tiếp tục phần 2
Câu hỏi 17: Lỗ ngoài kế hoạch được hiểu là như thế nào? Nếu không được trích lập dự phòng thì không bảo toàn vốn?
Trả lời:
Hiện nay không có định nghĩa về lỗ ngoài kế hoạch và khái niệm này còn bị hiểu theo nhiều cách khác nhau. Bộ Tài chính đã cho phép một số trường hợp trích lập dự phòng khi công ty con, liên doanh, liên kết bị lỗ mà không phân biệt là trong hay ngoài kế hoạch.
Câu hỏi 18: TK 152 có nội dung phản ánh vật tư thay thế; TK 1534 phản ánh thiết bị, phụ tùng thay thế. Vậy khoản nào được phản ánh vào TK 152, khoản nào phản ánh TK 153?
Trả lời:
Việc phản ánh vào TK 152 hay 153 hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định vì chỉ doanh nghiệp mới biết cách thức sử dụng tài sản của mình. Một tài sản có thể được phân loại là vật tư ở doanh nghiệp này nhưng lại là thiết bị tại doanh nghiệp khác
Câu hỏi 19: Phương pháp kế toán các trường hợp hàng dùng để khuyến mại, quảng cáo, biếu tặng, tiêu dùng nội bộ như thế nào?
Trả lời:
– Hàng tiêu dùng nội bộ: Phản ánh ngay vào chi phí, không ghi nhận doanh thu, giá vốn
– Phải phân biệt các trường hợp Khuyến mại, quảng cáo và biếu tặng. Nếu không kèm điều kiện thì giá trị hàng khuyến mại, quảng cáo biếu tặng được ghi nhận vào chi phí bán hàng; Nếu kèm điều kiện thì ghi nhận doanh thu, giá vốn tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Câu hỏi 20: Mô tả về phương pháp giá bán lẻ?
Trả lời:
Phương pháp giá bán lẻ áp dụng cho những doanh nghiệp kiểm kê định kỳ, có nhiều khách hàng và số lượng mặt hàng lớn, ví dụ các siêu thị. Khi bán hàng không thể tính ngay giá vốn được, nhưng biết được doanh số. Phương pháp này yêu cầu tính lợi nhuận định mức bình quân trên doanh số và giá trị hàng tồn kho tính theo giá bán cuối kỳ để tính ra giá vốn hàng bán, từ đó tính ra giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.
Câu hỏi 21: Nhà thầu xây lắp có được vốn hóa lãi vay cho các công trình thi công không?
Trả lời:
Nhà thầu xây lắp không vốn hóa lãi vay cho công trình xây lắp (trừ các công trình vừa xây lắp, vừa là chủ đầu tư).
Câu hỏi 22: Thành phẩm đã nhập kho, sau đó vận chuyển đến các của hàng ở địa phương khác. Chi phí vận chuyển và bảo quản trên đường được kế toán như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của VAS 02, những chi phí vận chuyển, bảo quản khi mua hàng tồn kho và chi phí bảo quản, vận chuyển cần thiết cho khâu sản xuất tiếp theo (lúc đó hàng tồn kho chưa hoàn thành và sẵn sàng để bán) được tính vào giá gốc hàng tồn kho. Khi hàng đã hoàn thành và sẵn sàng để bán thì không được tính vào giá gốc mà tính ngay là chi phí bán hàng cho dù hàng có tiêu thụ được ngay hay không.
Câu hỏi 23: Những trường hợp sau có phải trích lập dự phòng không?
a) Loại tồn khó A bị giảm giá nhưng có 1 lượng hàng đã được ký hợp đồng chắc chắn sẽ tiêu thụ với mức giá cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được.
b) Loại hàng B có 1 số sản phẩm bị hư hỏng nên có khả năng giảm giá nhưng tổng giá trị thuần có thể thực hiện được của loại hàng đó vẫn cao hơn giá gốc.
c) NVL bị giảm giá không dùng cho SXKD mà dùng cho XDCB.
Trả lời:
Cả 3 trường hợp trên đều không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Câu hỏi 24: TSCĐ nếu có thời gian xây dựng dưới 12 tháng có được vốn hóa chi phí lãi vay không?
Trả lời:
Điểm g Khoản 1 Điều 54 Thông tư số 200 quy định lãi vay được vốn hóa kể cả khi việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT dưới 12 tháng.
Câu hỏi 25: Khoản trả trước tiền thuê đất sau ngày luật đất đai có hiệu lực và có sổ đỏ có được ghi nhận là TSCĐ vô hình không?
Trả lời:
Theo quy định của Thông tư 45 tiền thuê đất đối với đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được ghi nhận là TSCĐ vô hình khi thỏa mãn 2 điều kiện:
i) Thuê trước ngày có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai 2003
ii) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy tất cả các trường hợp trả trước tiền thuê đất sau ngày luật đất đai có hiệu lực đều phải ghi nhận là chi phí trả trước, không phân biệt có sổ đỏ hay không.
Câu hỏi 26: Theo Thông tư 200 thì BĐSĐT cho thuê thì khấu hao, nắm giữ chờ tăng giá thì không khấu hao. Tuy nhiên trong thời gian chờ tăng giá doanh nghiệp cho thuê thì sao?
Trả lời:
Doanh nghiệp xây dựng danh mục BĐSĐT cho thuê và chờ tăng giá. Việc tính hay không tính khấu hao sẽ áp dụng nhất quán đối với BĐSĐT theo danh mục này.
Câu hỏi 27: Có được tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành ngắn hạn không?
Trả lời:
Đối với khoản mục chi phí trả trước thì việc phân loại ngắn hạn và dài hạn căn cứ vào kỳ hạn gốc của từng khoản chi phí trả trước mà không căn cứ vào kỳ hạn còn lại để phân loại ngắn hạn, dài hạn(Không tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành ngắn hạn). Khoản chi phí trả trước khác so với các khoản phải thu hoặc phải trả vì chi phí trả trước đã phát sinh dòng tiền. Việc phân bổ dần chi phí trả trước không làm thay đổi bản chất của hợp đồng là ngắn hạn hay dài hạn.
Câu hỏi 28: Việc bù trừ tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả được thực hiện như thế nào? Việc bù trừ thu nhập và chi phí từ việc thanh lý TSCĐ như thế nào?
Trả lời:
– Việc bù trừ tài sản thuế hoãn lại và thuế hoãn lại phải trả chỉ thực hiện khi trình bày BCTC, không bù trừ số dư trên sổ kế toán. Tuy nhiên chỉ bù trừ khi khoản chênh lệch tạm thời phát sinh tại cùng một pháp nhân và cùng một cơ quan thuế
– Việc bù trừ thu nhập và chi phí thanh lý TSCĐ cũng chỉ thực hiện khi trình bày BCTC, việc ghi chép không thay dổi so với QĐ 15
Tác giả: Ông Trịnh Đức Vinh
Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài Chính