Ngày 18/04/2017, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT.
Thông tư này hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
“Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài” (sau đây gọi là cơ chế liên thông) là cơ chế phối hợp giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Đầu tư thực hiện đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
2. Cơ quan đăng ký đầu tư;
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh;
4. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.
Các trường hợp thực hiện cơ chế liên thông
– Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư
– Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
– Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư, bao gồm:
+ Thay đổi ngành, nghề kinh doanh đồng thời thay đổi mục tiêu dự án đầu tư;
+ Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp đồng thời thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
+ Thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp đồng thời thay đổi vốn đầu tư của dự án đầu tư;
+ Thay đổi thành viên, thông tin cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp đồng thời thay đổi thông tin nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Với cơ chế này, cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, trao đổi thông tin và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp một bản trong trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có sự trùng lặp giấy tờ.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư này hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
1. Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
2. Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
3. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
4. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
5. Trả kết quả cho nhà đầu tư
Trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
1. Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư
2. Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh
3. Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
4. Ban hành Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
5. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
6. Trả kết quả cho nhà đầu tư.
Và một số trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp khác.
Thông tư có hiệu lực từ 15/06/2017