Đầu tư mở rộng – Những vấn đề cần lưu ý

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 20/06/2017 - 15399 lượt xem.

Đầu tư mở rộng nhưng ưu đãi có được mở rộng hay không lại là một câu hỏi có nhiều giải đáp qua từng thời kỳ.

Dự án mở rộng trước năm 2009 thì được ưu đãi; giai đoạn 2009 – 2013 thì bị từ chối ưu đãi nhưng đến 2014 thì được chấp nhận trở lại. Chính sách thuế hiện hành chấp nhận ưu đãi vớt vát cho các dự án mở rộng trong 5 năm từ 2009 – 2013, tuy nhiên chỉ áp dụng từ năm tính thuế 2015.

Đây được xem là một sự khập khiễng trong chính sách ưu đã thuế dành cho dự án đầu tư mở rộng mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước nên biết để không bị xem là nợ thuế khi áp dụng sai mức thuế TNDN.

1. Phải đáp ứng điều kiện kinh doanh mới được hoàn thuế

Theo điểm 3.a khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC, dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT phải đáp ứng các quy định của pháp luật về đầu tư và đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh (nếu lĩnh vực đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

Quy định này áp dụng đồng thời cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
(Công văn số 2503/TCT-KK ngày 8/6/2017)

2. Mở rộng trong giai đoạn 2009-2013 được xét ưu đãi thuế từ 2015

Giai đoạn 2009 – 2013, chính sách ưu đãi thuế TNDN được thực hiện theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC , Thông tư 18/2011/TT-BTC và Thông tư 123/2012/TT-BTC . Điểm chung của các Thông tư này đều không cho ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng như giai đoạn trước 2009.

Kể từ năm 2014, Thông tư 78/2014/TT-BTC mới xét cho hưởng ưu đãi thuế trở lại đối với dự án đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, chỉ bao gồm các dự án mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế quy định tại Nghị định 218/2013/NĐ-CP .

Riêng các dự án đầu tư mở rộng trong thời kỳ từ 2009-2013, khoản 1 Điều 13 Thông tư 96/2015/TT-BTC cũng cho xét hưởng ưu đãi thuế với các điều kiện:
+ Tính đến kỳ tính thuế 2014, dự án đáp ứng được điều kiện ưu đãi thuế theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Thời điểm ưu đãi kể từ kỳ tính thuế 2015 trở đi.
(Công văn số 5349/TCT-CS ngày 18/11/2016)

3. Nâng cấp nhà máy chỉ được hưởng ưu đãi mở rộng

Trường hợp doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp một nhà máy cũ thì đây được xem là dự án đầu tư mở rộng, không phải dự án đầu tư mới.

Theo đó, doanh thu của nhà máy (mới) trong trường hợp này chỉ được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mở rộng, không được ưu đãi theo diện đầu tư mới.
(Công văn số 4737/TCT-CS ngày 13/10/2016)

4. Dự án đầu tư mở rộng tại KCN thuộc đô thị loại I không được ưu đãi thuế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC , dự án đầu tư mở rộng tại khu công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế không bao gồm khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và đô thị loại I trực thuộc tỉnh (địa bàn thuận lợi)
Theo đó, phần thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng này không được ưu đãi thuế TNDN

(Công văn số 45483/CT-HTr ngày 7/7/2016)

5. Mở rộng vào KCN giai đoạn 2009 – 2013, lựa chọn ưu đãi như thế nào?

Trường hợp doanh nghiệp có mở rộng đầu tư vào khu công nghiệp trong giai đoạn 2009-2013, nếu đến kỳ tính thuế 2014 đáp ứng một trong ba tiêu chí dự án đầu tư mở rộng quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (bao gồm mức thuế suất, thời gian miễn giảm nếu có) hoặc hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi thuế cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại thì dự án đầu tư mở rộng đó phải thuộc cùng lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế với dự án đang hoạt động.

(Công văn số 36604/CT-HTr ngày 1/6/2016)

6. Giai đoạn 2009-2013, bổ sung máy móc có bị xem là đầu tư mở rộng?
Giai đoạn 2009 – 2013, theo Thông tư 130/2008/TT-BTC , các dự án đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Máy móc thiết bị nếu bổ sung trong giai đoạn trên nếu bị xem là “đầu tư mở rộng” thì phần thu nhập tăng thêm sẽ không được xét hưởng ưu đãi. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải ra sức chứng minh một số trường hợp bổ sung máy móc – thiết bị trong giai đoạn này chỉ là “hoạt động đầu tư thường xuyên”, không phải là mở rộng đầu tư để không bị bác ưu đãi.

Bộ Tài chính đã phải ban hành Công văn số 4769/BTC-TCT, công bố 2 tiêu chí nhằm xác định việc tăng máy móc – thiết bị trong giai đoạn 2009 – 2013 được xem là “hoạt động đầu tư thường xuyên”, không bị bác ưu đãi do “đầu tư mở rộng.

Hai tiêu chí được quy định như sau:

+ Là hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên cho dự án đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN được thực hiện từ 1 trong 3 nguồn độc lập sau: (1) Quỹ khấu hao cơ bản TSCĐ của doanh nghiệp; (2) Sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư; (3) Sử dụng vốn trong phạm vi vốn đăng ký đầu tư.

+ Việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên từ các nguồn nêu trên phải đảm bảo không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt. Nếu hoạt động đầu tư thường xuyên làm tăng công suất sản xuất kinh doanh so với giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư thì không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ phần vượt công suất.

Tuy nhiên, tiêu chí (2) không áp dụng trong trường hợp trên Giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư không ghi quy mô của dự án, hoặc các doanh nghiệp chỉ bổ sung, thay thế máy móc thiết bị thường xuyên và không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Mặc dù được xem là “hoạt động đầu tư thường xuyên” nhưng kể từ năm 2014, nếu đáp ứng được điều kiện về đầu tư mở rộng thì vẫn được xét hưởng. Số thuế TNDN đã nộp (thay vì được ưu đãi) được kê khai điều chỉnh để bù trừ vào kỳ sau hoặc xin hoàn lại.

(Công văn số 4769/BTC-TCT ngày 7/4/2016)

7. Thu nhập tăng thêm có thể xác định theo tỷ lệ TSCĐ

Thu nhập tăng thêm của một dự án đầu tư mở rộng cần được xác định và hạch toán riêng để áp dụng chính sách ưu đãi dành riêng cho hình thức đầu tư mở rộng.

Nếu không hạch toán riêng được thì xác định phần tăng thêm dựa trên tỷ lệ của nguyên giá TSCĐ đầu tư mới so với tổng nguyên giá TSCĐ của doanh nghiệp.

(Công văn số 539/TCT-CS ngày 3/2/2016)

8. Phải tăng ít nhất 20% TSCĐ hoặc công suất thiết kế mới được ưu đãi

Từ năm 2015 trở đi, theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC , dự án đầu tư mở rộng phải đáp ứng một trong các tiêu chí dưới đây mới được ưu đãi thuế:

– Nguyên giá TSCĐ tăng thêm từ hoạt động đầu tư mở rộng đạt tối thiểu từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc 10 tỷ đồng (địa bàn khó khăn)
– Tỷ trọng nguyên giá TSCĐ tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% trở lên so với tổng nguyên giá TSCĐ trước khi đầu tư
– Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm tối thiểu từ 20% trở lên so với công suất thiết kế trước khi đầu tư

Mức ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng, doanh nghiệp được phép lựa chọn hưởng ưu đãi (cả về thời gian miễn giảm và thuế suất) như dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại hoặc hưởng ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế như dự án đầu tư mới.

(Công văn số 4903/TCT-CS ngày 19/11/2015)

9. Dự án mở rộng trước 2009 được lựa chọn hưởng ưu đãi theo quy định cũ hoặc mới

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 96/2015/TT-BTC , đối với dự án đầu tư mở rộng cấp phép trước năm 2009 nhưng từ 2010 trở đi mới hoàn thành đi vào SXKD, nếu đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế TNDN thì được lựa chọn hưởng ưu đãi theo quy định cũ tại thời điểm cấp phép hoặc chuyển sang hưởng ưu đãi theo quy định mới của Luật số 32/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 cho thời gian còn lại kể từ năm 2015
(Công văn số 4878/TCT-CS ngày 18/11/2015)

10. Xét hưởng ưu đãi thuế cho dự án mở rộng trước 2014 như thế nào?

Giai đoạn 2009 – 2013, các dự án đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến năm 2014, có một số điều chỉnh tại các Luật số 32/2013/QH13, số 71/2014/QH13 nên các dự án “lỡ” đầu tư trong các năm từ 2009 – 2013 được chấp nhận cho hưởng ưu đãi.
Tuy nhiên, ngành thuế sẽ căn cứ vào các điều kiện được đáp ứng trong năm 2014 để xét hưởng cho năm 2015 trở về sau
(Công văn số 4710/TCT-CS ngày 10/11/2015)

11. Bổ sung ngành nghề kinh doanh có được coi là đầu tư mở rộng?

Tổng cục Thuế cho rằng việc bổ sung ngành nghề sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời không tăng vốn, không tăng tài sản thì thu nhập từ các ngành nghề kinh doanh bổ sung không được ưu đãi thuế theo diện “đầu tư mở rộng”.
(Công văn số 4585/TCT-CS ngày 4/11/2015)

12. Dự án thành phần của một dự án lớn hưởng ưu đãi theo diện MỚI hay MỞ RỘNG?

Việc xét ưu đãi đối với dự án thành phần trong một dự án lớn sẽ căn cứ theo Hồ sơ đăng ký đầu tư ban đầu.
Để được xét hưởng theo ưu đãi dành cho đầu tư mới, Hồ sơ đăng ký ban đầu phải xác định cụ thể số vốn và mốc thời gian (tiến độ) thực hiện của từng dự án. Khi đó, dự án thành phần mới được xét ưu đãi thuế TNDN tương tự dự án ban đầu (Điều 5 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ).

Ngược lại, nếu Hồ sơ đăng ký ban đầu chưa xác định số vốn cũng như tiến độ thực hiện cụ thể của mỗi dự án thì các “dự án thành phần” này chỉ được coi là dự án đầu tư mở rộng. Theo đó chỉ được ưu đãi mở rộng
(Công văn số 4312/TCT-CS ngày 16/10/2015)

13. Trước 2015, dự án mở rộng không được chọn năm bắt đầu hưởng ưu đãi

Các dự án đầu tư mở rộng nếu có năm đầu tiên hoạt động dưới 12 tháng thì được lùi thời điểm hưởng ưu đãi thuế vào năm sau. Đây là quy định sửa đổi tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC, chỉ được áp dụng từ năm 2015.

Trước năm 2015, khoản 5 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC chỉ cho phép lùi thời điểm hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới, không bao gồm và áp dụng cho dự án đầu tư mở rộng
(Công văn số 4310/TCT-CS ngày 16/10/2015)

14. Xác định ưu đãi cho “Dự án đầu tư mở rộng” qua từng thời kỳ

Định nghĩa:
Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc giảm ô nhiễm môi trường (khoản 3 Điều 2 Nghị định 108/2006/NĐ-CP )

Trước 2009:
Được ưu đãi theo theo Nghị định 24/2007/NĐ-CP

Từ 2009 – 2013:

Do Nghị định 124/2008/NĐ-CP không có quy định chính sách ưu đãi thuế TNDN dành cho dự án đầu tư mở rộng nên các dự án mở rộng trong giai đoạn này không được tính hưởng ưu đãi. Cách xác định thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng không được ưu đãi thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3311/TCT-CS ngày 15/8/2014

Từ 2014:

Được ưu đãi theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP ). Thời điểm xác định dự án đầu tư mở rộng được ưu đãi căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn số 408/BTC-CST ngày 14/1/2015

(Công văn số 4282/TCT-CS ngày 14/10/2015)

15. Từ 2014, lại chấp nhận ưu đãi cho dự án đầu tư mở rộng

Sau khi kết thúc giai đoạn 2009 – 2013, các dự án đầu tư mở rộng lại được chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế TNDN. Đây là một trong những điều chỉnh của Luật thuế TNDN sửa đổi số 32/2013/QH13.

Theo đó, các dự án đầu tư mở rộng phát sinh từ năm 2004, nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây thì được ưu đãi:

• Dự án mở rộng có quy mô tối thiểu từ 10 đến 20 tỷ đồng, tùy địa bàn
• Tỷ trọng nguyên giá TSCĐ và công suất thiết kế tăng thêm tối thiểu 20%

Doanh nghiệp được phép lựa chọn hưởng ưu đãi thuế cùng với thời gian còn lại của dự án chính hoặc chọn ưu đãi riêng cho thu nhập tăng thêm.

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi này không áp dụng với dự án đầu tư mở rộng do sáp nhập, mua lại doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư đang hoạt động

(Công văn số 734/TCT-CS ngày 11/3/2014)

Nguồn: Luật Việt Nam