Có được tính phép năm đối với “ngày đi đường” của nhân viên?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 22/06/2017 - 4465 lượt xem.

Rất nhiều lao động không biết điều này.

Khi nghỉ phép năm ngoài thời gian nghỉ phép, người lao động còn được hỗ trợ thêm thời gian đi đường, điều này đã được quy định rõ trong bộ luật lao động. Cùng xem chi tiết hưởng như thế nào dưới đây nhé  😀 

Khi nghỉ hàng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Bà Ngô Thùy Dung (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp trường hợp sau:

Nhân viên A xin nghỉ phép hàng năm về quê ăn Tết các ngày 23, 24, 25/1/2017, đi xe ô tô từ Vũng Tàu về Nghệ An, tổng thời gian cả đi và về ước tính 72 tiếng, có mua vé và cung cấp vé cho Công ty. Công ty chấm công cho nhân viên A là: Ngày 23/1/2017 hỗ trợ thời gian đi đường 1 ngày, ngày 24, 25/1/2017 trừ ngày nghỉ hàng năm 2 ngày.

Bà Dung hỏi, như vậy có đúng không? Nếu ngày xuất phát về quê là ngày Chủ nhật 22/1/2017 thì việc chấm công như trên có đúng không?

       Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Khoản 4 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Khi nghỉ hàng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm”.

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì cách tính ngày đi đường nêu trên không đề cập tới ngày khởi hành hoặc ngày quay trở lại cơ quan.

Như vậy, đối với trường hợp bà hỏi, khi người lao động xin nghỉ hàng năm 3 ngày làm việc, nếu thời gian đi đường cả đi và về ước tính là 72 giờ (tức là khoảng 3 ngày) bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy thì được tính thêm 1 ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Ngoài ra, bà cần lưu ý khi người lao động được nghỉ hàng năm thì được hưởng nguyên lương theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2012; riêng tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường do hai bên thoả thuận theo quy định tại khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2012:

” Tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường do hai bên thoả thuận.

Đối với người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường”

Tuy nhiên, do nội dung bà Dung nêu tại câu hỏi có nhiều thông tin chưa rõ (đây là lần đầu hay lần thứ mấy được chấm công ngày đi đường; việc tính trừ 2 ngày nghỉ hàng năm là tính trong tổng quỹ thời gian nghỉ hằng năm hay chỉ là việc chấm công để trả lương 2 ngày này và vẫn giảm 3 ngày phép năm trong quỹ thời gian; hỗ trợ 1 ngày đi đường là hỗ trợ có theo thỏa thuận không?…) nên chưa có căn cứ để trả lời việc chấm công như đã nêu tại câu hỏi là trái với quy định pháp luật hiện hành.

Ví dụ (bổ sung thêm): Ông A công tác tại TP. Hồ Chí Minh, nghỉ phép năm về thăm quê ở TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Phương tiện chiều đi bằng tàu hỏa từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Hà Nội, chuyển sang ô tô đi TP. Điện Biên.

Phương tiện chiều về đi bằng ô tô từ TP. Điện Biên đến TP. Hà Nội, chuyển sang tàu hỏa từ TP. Hà Nội về TP. Hồ Chí Minh. Thời gian cả đi và về hết 6 ngày, thì kể từ ngày thứ 3 ông A bắt đầu được tính ngày đi đường.

Theo đó, ông A được tính thêm 4 ngày đi đường (ngoài ngày nghỉ phép hàng năm) cho các ngày đi đường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6. Ngày đi đường chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

(Luật sư Trần Văn Toàn – VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội)
Nguồn: Chinhphu.vn