Thua lỗ cũng phải nộp thuế: Chống thất thu hay tận thu?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 25/08/2017 - 7256 lượt xem.

TTO – Trong đề xuất sửa các luật thuế, Bộ Tài chính đưa ra nhiều quy định khắt khe như phải thanh toán qua ngân hàng với hóa đơn 10 triệu đồng, các tổ chức nước ngoài phải chịu thuế chuyển nhượng vốn 1% dù lãi hay lỗ…

Quy định mua hàng hóa từ 10 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng mới được đưa vào chi phí khiến việc thanh toán của doanh nghiệp rắc rối thêm. Trong ảnh: công nhân làm việc tại một công ty sản xuất giày dép – Ảnh: T.V.N.

Cũng theo đề xuất của bộ này, nếu góp vốn từ 25% trong một doanh nghiệp (DN) cũng bị xem là có quan hệ mẹ – con! Theo các chuyên gia, những điều khoản siết này sẽ khiến hoạt động của DN thêm khó khăn, chưa kể gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Thêm rắc rối

Theo Luật thuế thu nhập DN hiện hành, hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Tuy nhiên, trong lần sửa luật này, Bộ Tài chính kiến nghị quy định mức 10 triệu đồng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, tức là giảm một nửa so với trước.

Giải thích lý do của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng hệ thống thanh toán qua ngân hàng đã phát triển. Hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Việc đưa ra quy định này nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phòng chống rửa tiền và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của DN.

“Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản bên mua sang tài khoản bên bán (các tài khoản phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế) theo các hình thức thanh toán như: séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định.”

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và DN cho rằng đề xuất này sẽ khiến việc thanh toán của DN rắc rối thêm.
Ông V.T.H., giám đốc một công ty nhập khẩu thép tại TP.HCM, dẫn trường hợp DN này phải đặt cọc cho khách hàng khoảng 3 triệu đồng/container khi muốn lấy hàng. Chẳng hạn nếu hàng về 4 container, tiền đặt cọc cộng với tiền lấy lệnh khoảng mười mấy triệu đồng, công ty có thể cầm tiền mặt ra cảng làm thủ tục rồi lấy hàng.

Nhưng khi áp dụng quy định mới, DN phải chuyển khoản, bên hãng tàu nhận được tiền mới làm thủ tục rất mất thời gian, chưa kể nếu hàng về cuối ngày mà chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng, hãng tàu chưa cho làm thủ tục do tiền chưa về, DN lại tốn thêm tiền lưu bãi.

“Ngay cả khách hàng mua số lượng hàng dưới 20 triệu đồng trước đây có thể trả tiền mặt trực tiếp và lấy hóa đơn, nhưng nay phải chuyển khoản trước, công ty nhận tiền rồi mới xuất hàng, rất bất tiện nếu khách hàng cần gấp” – ông H. nói.

Giám đốc một công ty thương mại tại Q.1 cũng cho biết DN mua văn phòng phẩm gồm nhiều món, mỗi món trị giá 2-3 triệu đồng, nếu gom vô xuất một hóa đơn cũng trên 10 triệu đồng.
Nếu quy định mua món hàng 10 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng, DN phải chọn mua những mối quen vì có thể chuyển khoản thanh toán sau, thay vì chọn chỗ có giá rẻ hơn do không được thanh toán sau.
“Mức 20 triệu đồng đã áp dụng nhiều năm, nếu tính thêm trượt giá đã rất thấp, chỉ nên nâng lên chứ không nên giảm” – ông này nói.

Bán lỗ cũng phải 
nộp thuế?

Trong đề xuất sửa đổi luật thuế, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định áp dụng tỉ lệ thu thuế 1% đối với chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại VN, bất kể lãi hay lỗ nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, đa số tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho đối tác nước ngoài khác thường kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn.

Trong khi đó, VN chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng, nên mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỉ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về thuế cho rằng quy định này chưa hợp lý, gây thiệt hại thêm cho nhà đầu tư trong trường hợp thua lỗ.

Vị này dẫn chứng một DN góp vốn 10 triệu USD vào năm 1994 khi tỉ giá là 10.000 đồng/USD và chuyển nhượng vốn vào năm 2017 với giá 7,5 triệu USD. Dù DN này bị lỗ nhưng do quy định giá chuyển nhượng tính theo tỉ giá hiện hành, hiện xấp xỉ 22.760 đồng/USD, nên DN vẫn phải nộp thuế thu nhập DN với mức 20% trên phần lãi do chênh lệch tỉ giá, tương đương khoảng 19 tỉ đồng.

“DN chuyển nhượng vốn lỗ 2,5 triệu USD nhưng vẫn nộp thuế thu nhập DN gần 1 triệu USD là quá vô lý. Trong khi hiện nay Bộ Tài chính còn đề xuất đánh thuế thêm mức 1% với chuyển nhượng vốn bất kể bán lãi hay lỗ, như cách áp thuế với chuyển nhượng chứng khoán hay bất động sản là không hợp lý. Nguyên tắc có lãi mới phải nộp thuế.

Nếu áp dụng quy định này, về bản chất không còn là thuế thu nhập nữa mà chuyển thành thuế doanh thu như trước đây vì cứ có doanh thu là phải nộp thuế” – vị này phân tích.

Phó tổng giám đốc một DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cho rằng để kiểm soát thu và tránh thất thu thuế có nhiều cách, chứ nếu thu bằng cách này sẽ không khuyến khích được đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác.

“Thực tế là bên cạnh những DN cố tình lách thuế bằng cách kê khai bằng giá vốn hoặc kê khai lỗ, có những DN kinh doanh không hiệu quả và thua lỗ thật, nếu “vơ đũa cả nắm” như trường hợp này là không ổn” – vị này khẳng định.

    

Nguồn: Ánh Hồng – Tuổi trẻ