TT 179 hướng đến chuẩn mực quốc tế về qui định ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 24/12/2012 - 36487 lượt xem.

Căn cứ để hướng dẫn xử  lý chênh lệch tỷ giá chính là chuẩn mực kế toán VAS 10, QĐ 15/2006 chế độ kế toán doanh nghiệp và thông tư 201/2009 hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá, được ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2009. Và điểm mới đây, ngày 10 tháng 12 năm 2012, chính thức hiệu lực cho thông tư 179/2012 thay thế thông tư 201/2009. Một quá trình vận dụng thực tiễn và hoàn thiện các vấn đề chất chéo trong việc xử lý chênh lệch tỷ giá vào cuối mỗi năm tài chính.

Theo VAS 10 và thông tư 179/2012 thì có một số điểm chung và thống nhất:

1.  Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành TSCĐ của DN mới thành lập, chưa đi vào hoạt động.  Khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh luỹ kế, riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán. Khi tài sản cố định hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng (sau khi bù trừ số chênh lệch tăng và chênh lệch giảm) được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động.

2.  Chênh lệch tỷ giá thời kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả đầu tư xây dựng  hình thànhTSCĐ của DN đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giao dịch các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính.

3.  Việc xử lý chênh lệch tỷ giá váo cuối năm tài chính đối với thời kỳ giải thể và thanh lý được đưa vào chi phí thanh lý hoặc thu nhập thanh lý doanh nghiệp.

Các khoản chênh lệch đánh giá số dư ngoại tệ các khoản mục tiền có gốc ngoại tệ, sau khi bù trừ chênh lệch tăng hoặc giảm trên tài khoản 413. Số dư cuối kỳ trên tài khoản 413 sẽ được kết chuyển vào doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính.

Tuy nhiên đối với thông tư 201/2009 thì có sự khác biệt và rườm rà hơn. Khi xử lý chênh lệch tỷ giá được đánh giá vào cuối năm thì phân chia làm hai trường hợp ngắn hạn và dài hạn đối với các khoản mục tiền tệ, nợ phải thu, nợ phải trả… có gốc ngoại tệ.

1.   Nếu là trường hợp ngắn hạn thì sẽ không kết chuyển vào 515 và 635 sau khi bù trừ chênh lệch tăng giảm chênh lệch tỷ giá khi đánh giá vào cuối niên độ trên tài khoản 413. Sẽ treo số dư tài khoản này trên bảng cân đối kế toán và sang đầu năm sau ghi bút toán ngược, xóa số dư.

2.   Nếu là trường hợp đánh giá ngoại tệ dài hạn cho các khoản mục trên 1 năm, thì sẽ kết chuyển vào 635 và 515 sau khi bù trừ chênh lệch tăng giảm trên tài khoản 413.

Do vậy, về một khía cạnh nào đó thì thông tư 179/2012 có bước hoàn thiện hơn trong việc hướng dẫn xử lý chênh lệch tỷ giá vào cuối năm, đồng thời đồng nhất với VAS 10 hơn. Trong khi thông tư 201/2009 hướng dẫn xử lý rườm rà khiến người làm kế toán lúc trước thường phải lựa chọn hạch toán và xử lý theo VAS 10 hay thông tư 201/2009, nhưng nay đã được thống nhất.

Và một điểm cần lưu ý, theo QĐ 15/2006 thì người làm kế toán có quyền chọn lựa hạch toán theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố hay tỷ giá giao dịch tại ngân hàng mở tài khoản giao dịch khiến dẫn đến nhiều tranh cãi và bất cập trong thực tiễn khi vận dụng tỷ giá qui đổi ra đồng Việt Nam, phục vụ cho hạch toán sổ sách. Thì nay, thông tư 179/2012 nêu rõ hơn, cụ thể hơn, là hạch toán theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Và trường hợp doanh nghiệp mở tài khoản nhiều ngân hàng khác nhau, thì có thể thực hiện theo tỷ giá giao dịch bình quân của các ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ.

Đồng thời thông tư 179/2012 cũng gỡ bỏ đi sự bối rối, tranh cãi trong việc xác định chi phí được trừ hay không được trừ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đưa vào chi phí.

Theo thông tư 179 thì việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chênh lệch tỷ giá thì thực hiện theo qui định các văn bản pháp luật về thuế TNDN. Còn thông tư 201/2009 thì các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này sẽ đưa vào chi phí tài chính trong năm và được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN, trong khi thông tư 18/2011 sửa đổi, bổ sung thông tư 130/2008 về hướng dẫn thi hành thuế TNDN cũng như thông tư 123/2012 đang hiện hành, không cho phép các khoản chi phí phát sinh từ phần lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá các khoản mục tiền có gốc ngoại tệ (ngoại trừ các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ) vào cuối năm tài chính, là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Một số điểm bất cập đã được hoàn thiện, gỡ bỏ sự tranh cãi giữa VAS và thông tư hướng dẫn trong thời gian qua. Hy vọng sẽ có nhiều sự cải thiện sát với thực tiễn, giản đơn cho công tác kế toán.

Lê Thùy Dương