(TCT online) – Được ra đời từ nhu cầu thiết yếu của đời sống KT-XH, đã có hơn 5 năm để xác lập hành lang pháp lý cũng như các điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển, nhưng đến nay, khái niệm đại lý thuế vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều DN, tổ chức kinh doanh. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, đại lý thuế là DN đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Trong đó, dịch vụ làm thủ tục về thuế bao gồm việc thay thế hợp pháp chủ DN để thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục hành chính thuế khác. Dịch vụ làm thủ tục về thuế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; theo đó, một DN muốn trở thành đại lý thuế phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Theo lẽ thường, nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về đại lý thuế càng lớn, bởi số lượng các DN ngày càng gia tăng, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ luôn kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ làm thủ tục về thuế. ở nước ta, trước khi có Luật Quản lý thuế, việc cung cấp các dịch vụ thuế được thực hiện bởi một số ít các công ty kiểm toán, tư vấn về tài chính, kế toán và các công ty tư vấn luật, chủ yếu là tư vấn thuế và lập báo cáo thuế. Từ tháng 7/2007 đến nay, Luật Quản lý ra đời cùng với các thông tư hướng dẫn hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế (Thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 3/4/2008 và gần đây là Thông tư số 117/2012/TT-BTC ngày 19/7/2012 thay thế Thông tư 28) đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động này. Theo đó, người nộp thuế có thể ký kết hợp đồng với các đại lý thuế để được cung cấp các dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Tuy nhiên, qua 5 năm, tính đến tháng 12/2012, cả nước mới có 105 đại lý thuế (năm 2010, có 41 đại lý thuế; năm 2011 có 87 đại lý thuế); 1.250 người được cấp chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế, trong số đó chỉ có 243 người làm việc trong các đại lý thuế. Địa bàn hoạt động chủ yếu của các đại lý thuế phân bổ trên 20 địa phương khác nhau, trong đó chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (chiếm 50%). Theo Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), trong năm 2011, qua báo cáo của 40 đại lý thuế (trong tổng số 87 đại lý thuế hoạt động), số đại lý có doanh thu từ dịch vụ thủ tục về thuế chiếm 65%, số đại lý không có doanh thu cho các hoạt động này chiếm 20%, số đại lý chưa có doanh thu về mọi hoạt động chiếm 15%. Trong số các đại lý thuế có doanh thu về dịch vụ làm thủ tục về thuế, số đại lý có doanh thu 100% chỉ chiếm 27%, số đại lý có doanh thu từ 50% trở lên chiếm 30,8% và số đại lý có doanh thu dưới 50% chiếm 42,2%.
Nếu so với hơn 486.000 DN và 1,8 triệu hộ kinh doanh thuộc diện quản lý của cơ quan thuế đến thời điểm này, thì số lượng các đại lý thuế còn quá ít. Thực tế này đã hạn chế việc phát huy vai trò của đại lý thuế trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu; đồng thời, ảnh hưởng đến việc xã hội hóa công tác hỗ trợ người nộp thuế theo chủ trương của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Số lượng đại lý thuế quá thấp so với nhu cầu còn kéo theo việc gia tăng áp lực lên cơ quan thuế trong việc phải đón tiếp, trả lời các vướng mắc phát sinh ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh số lượng người nộp thuế không ngừng gia tăng và yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.
Theo các chuyên gia và những người dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về đại lý thuế ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân gây hạn chế việc ra đời và hoạt động của đại lý thuế. Thứ nhất, đại lý thuế là loại hình kinh doanh mới ở nước ta, không ít DN và người dân chưa thật sự hiểu, nên chưa tin tưởng chất lượng hoạt động, chưa “mặn mà” với đại lý thuế, đa phần sợ lộ bí mật thông tin kinh doanh khi thuê dịch vụ thuế. Thứ hai, do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, họ tự ý vi phạm pháp luật để trốn thuế, tránh thuế mà không cần tư vấn thuế. Thứ ba, người nộp thuế ngại va chạm, mất thời gian do chưa nắm được chức năng của đại lý thuế cũng như chưa hiểu biết về quyền lợi của mình khi ký kết hợp đồng với các DN cung cấp dịch vụ thuế. Thứ tư, công tác tuyên truyền, quảng bá về dịch vụ làm thủ tục về thuế, tư vấn thuế của các đại lý thuế cũng như các công ty có chức năng tư vấn thuế chưa được đề cao, chưa mở rộng được thị trường cung cấp. Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ thuế được cung cấp chưa tốt, chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Thứ năm, mặc dù Tổng cục Thuế đã thường xuyên quan tâm, có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tổ chức nhiều hội thảo về đại lý thuế với sự hỗ trợ, phối hợp của các đối tác nước ngoài (đặc biệt là tổ chức Jica Nhật Bản), tuy nhiên, một số cơ quan thuế địa phương chưa quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích và nội dung của dịch vụ thuế tư, cũng chưa động viên kịp thời người nộp thuế sử dụng các dịch vụ thuế này. Ngoài ra, việc hỗ trợ, phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và đại lý cũng còn nhiều hạn chế.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để phát triển hệ thống đại lý thuế ở Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 8.000 đại lý thuế, như mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã đề ra; đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý thuế, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, trong thời gian ngắn tới đây phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhằm phát triển và quản lý hoạt động của các đại lý thuế; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội về lợi ích, mức độ thuận tiện khi sử dụng các dịch vụ của đại lý thuế; Ban hành quy chế kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các đại lý thuế; Đồng thời tăng cường hơn nữa việc phối hợp, hỗ trợ của cơ quan thuế đối với các đại lý thuế trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế.
Về phía các đại lý thuế cũng cần tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, nghiên cứu và thí điểm triển khai một số cơ chế ưu tiên đối với người nộp thuế sử dụng dịch vụ tư vấn, nhằm thu hút sự quan tâm, khuyến khích và động viên người nộp thuế làm quen và sử dụng các dịch vụ do chính đại lý mình cung cấp. Nếu người nộp thuế cảm nhận được sự thuận tiện và lợi ích do các dịch vụ làm thủ tục về thuế đem lại, chắc chắn họ sẽ chẳng có lý do gì để quay lưng với đại lý thuế.
ThS Nguyễn Cẩm Tâm
Theo TCT-online