Cũng giống như một môn thể thao, những suy nghĩ tích cực cần có quá trình thực hành để trở thành nền tảng thúc đẩy bạn chạm đến phiên bản tốt hơn của chính mình.
Rốt cuộc, mục đích sống của bạn là gì? Có phải là hạnh phúc hơn mỗi ngày? Có phải là được tận hưởng trọn vẹn những trải nghiệm mới mẻ của mỗi giây tồn tại? Có phải là khỏe mạnh hơn trong cả thể chất lẫn tinh thần? Có phải là được trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình? Tất cả những điều đó đều có thể đạt được nếu bạn biết cách phát huy nội lực và nuôi dưỡng sự tự tin. Tuy nhiên, những thói quen tinh thần không tự nhiên mà có. Nếu bạn thấy một người tự tin đáng kinh ngạc hay bình thản đối mặt với sóng gió cuộc đời, đó là vì họ đã không ngừng rèn luyện đời sống nội tâm trong nhiều năm liền. Cũng giống như một môn thể thao, những suy nghĩ tích cực cần có quá trình thực hành và tạo thành nền tảng. Bạn có thể thúc đẩy bản thân trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình ngay từ hôm nay, bắt đầu với những mẹo nhỏ sau đây.
1. Ngưng chỉ trích người khác và bản thân ngay cả trong tâm trí
Điều này quả thật nói dễ hơn làm. Não bộ hoạt động nhanh hơn cả khi chúng ta kịp nhận thức, và nó thường có xu hướng đánh giá, bình phẩm về đối tượng nhìn thấy dù đó không phải chủ ý của bản thân. Trong khoa học, hiện tượng này gọi là “thiên kiến tiêu cực”. Tiến sĩ Lea Waters cho biết, ngay cả những người có tính cách tươi vui nhất cũng ẩn tàng cái mà khoa học gọi là “sự bất đối xứng tích cực – tiêu cực” và thường chú ý đến thông tin tiêu cực nhiều hơn.
Bởi vì sự thiên kiến này thường xảy ra ở cấp độ xử lý thông tin cơ bản, nó hiện diện trong mọi hành động của con người: cách chúng ta phản ứng với sự việc (tốt hay xấu), cách chúng ta xây dựng niềm tin trong một mối quan hệ (đáng tin hay không đáng tin) và cách chúng ta học hỏi. Khi lần đầu tiên gặp ai đó, bạn sẽ tự động ghi nhận và ghi nhớ những điều mà bạn thấy chưa tốt ở họ nhiều hơn những điều tốt. Điều này không chỉ khiến bạn gặp khó khăn trong giao tiếp, có cái nhìn sai lệch về người khác mà còn sản sinh năng lượng tiêu cực. Thiên kiến này cũng xuất hiện trong cách chúng ta nhìn nhận chính mình mà tự ti là dấu hiệu rõ ràng nhất. Chúng ta sẽ dễ đổ lỗi cho bản thân, phủ nhận năng lực và luôn nhìn thấy rủi ro trong mọi việc.
Vậy nên, bạn có thể bắt đầu điều chỉnh cách nhìn nhận con người và sự việc ngay từ bây giờ. Khi trong tâm trí xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực mang tính đánh giá, phán xét một đối tượng nào đó hay chỉ trích bản thân, bạn hãy cố gắng dừng suy nghĩ đó lại và tự nhủ rằng “có thể không phải như vậy” hoặc “điều này là không nên”. Dần dần, bạn có thể cân bằng lại thiên kiến của não bộ và hướng đến các yếu tố tích cực hơn.
2. Nói những điều tốt đẹp với chính mình
Chúng ta thường có xu hướng hạ thấp bản thân (hay tỏ ra khiêm tốn) với mong muốn được người khác nâng mình lên. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể tạo nên vết hằn ý thức và nảy sinh cảm giác tự ti. Từ giờ, đừng phụ thuộc vào lời khen của người khác nữa, đừng chờ đợi hay đi tìm sự công nhận từ bên ngoài mà hãy tự nói những lời tốt đẹp với chính bản thân mình cũng như ghi nhận những điều mà bản thân làm được.
Cách bạn nhìn nhận bản thân quan trọng hơn cách người khác nhìn vào bạn. Nếu bạn liên tục nói rằng mình xấu xí, mình vô dụng, mình không thể làm được… não bộ sẽ tin rằng điều đó là đúng. Để thay đổi niềm tin của não bộ, bạn có thể bắt đầu bằng việc nói đủ lớn để bản thân nghe được những tuyên bố tích cực, ví dụ như đứng trước gương và nói rằng “trông mình cũng không đến nỗi tệ đấy chứ”. Bạn cũng nên diễn đạt bằng câu hỏi, ví dụ như “tại sao mình có thể hoàn thành được việc này?”. Quá trình đi tìm câu trả lời sẽ giúp bạn củng cố niềm tin vào bản thân. Nếu có nhen nhóm suy nghĩ “mình đang ảo tưởng về bản thân” cũng chẳng sao, hãy cho phép bản thân “ảo tưởng” một chút để khích lệ tinh thần của bạn, điều đó cần thiết hơn.
Nuôi dưỡng sự tự tin để đánh thức sức mạnh bên trong mỗi chúng ta
Nội lực giống như một hạt giống, nó không thể tự nhiên phát triển trên mảnh đất khô cằn và thiếu dưỡng chất. Muốn khai phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong.
3. Thiết lập ranh giới
Thiết lập ranh giới rất quan trọng. Nó xác định những điều người khác được và không được phép làm với bạn. Hãy dạy người khác tôn trọng ranh giới cá nhân của bạn bằng cách nói “không”. Khi hiểu được giá trị bản thân, bạn sẽ không cảm thấy khó khăn khi từ chối làm những việc bạn thấy không đúng, bạn không lo lắng về việc bị người khác đánh giá, bạn chỉ muốn thể hiện cốt lõi con người mình. Hãy từ chối nhận thêm việc nếu bạn đang quá tải, hãy nhắc nhở nếu ai đó hành xử với bạn thiếu tôn trọng, hãy chủ động kết thúc những tình huống có khả năng dẫn đến xung đột căng thẳng. Càng thể hiện sự chủ động, quyết đoán, bạn sẽ càng tự tin và dễ chạm đến phiên bản tốt hơn của chính mình.
4. Buông bỏ
Buông bỏ không có nghĩa là ngừng nỗ lực, đúng hơn, đó là quá trình thanh lọc lại cuộc sống và chấp nhận sự thật. Buông bỏ những thứ khiến bạn tổn thương. Buông bỏ những người khiến bạn nghi ngờ bản thân. Buông bỏ những ám ảnh từ quá khứ. Buông bỏ cảm giác tức giận, thất vọng. Buông bỏ những căng thẳng không cần thiết. Tất cả những điều này đều cần quá trình luyện tập, nhưng nó rất xứng đáng để bạn “nâng cấp” phiên bản con người mình.
5. Làm việc tốt
Đã bao nhiêu lần bạn lướt qua một người đang cần giúp đỡ? Không phải vì bạn vô tâm, đơn giản chỉ là bạn e ngại. Và trong lúc cân nhắc xem có nên dừng lại hay không, bạn đã đi qua mất rồi. Nếu bạn đã nhiều lần như vậy, ngay từ ngày mai, hãy cố gắng dừng lại ngay khi có thể. Hãy bắt đầu từ những việc tốt đơn giản nhất như giữ cửa cho một người đang bận xách đồ bằng cả hai tay, nhường một ít phần đường bên phải khi dừng đèn đỏ cho người có việc gấp hay gọi điện cho một người bạn và lắng nghe những vấn đề của họ. Ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng có thể khiến cho một ngày của ai đó trở nên tươi sáng hơn. Làm những việc tử tế sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân có giá trị cũng như nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho phiên bản tốt hơn của chính mình.
6. Chăm sóc bản thân
Sự tự tin phụ thuộc vào sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc và sức khỏe xã hội. Thật khó để cảm nhận tốt về bản thân nếu bạn ghét vóc dáng của mình hoặc liên tục cảm thấy thiếu năng lượng. Hãy cố gắng dành thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để cải thiện sức khỏe lẫn vóc dáng. Hãy luôn ưu tiên bản thân hơn bất cứ thứ gì. Một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn sẽ giúp bạn dễ dàng đối phó với căng thẳng, làm việc năng suất hơn và cũng cảm thấy tự tin hơn.
7. Cởi mở để học hỏi
Làm sao bạn có thể tự tin khi bản thân luôn thiếu hụt kiến thức và kinh nghiệm? Học hỏi là cách tốt nhất để nâng cấp phiên bản con người bạn. Đừng giấu dốt, đừng e ngại người khác đánh giá khi muốn hỏi một điều gì đó. Tự cổ chí kim, sự tò mò và những câu hỏi luôn là chìa khóa khám phá thế giới. Hãy học tất cả những gì có thể để làm phong phú cuộc sống của bạn. Hãy trải nghiệm những điều mới mẻ để không cảm thấy lạc lõng với thế giới. Và hãy luôn lắng nghe một cách biết ơn những điều người khác chỉ dạy hoặc góp ý cho bạn. Rồi bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Sưu tầm