Mỹ phẩm Việt lần lượt bị bóp chết

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 10/01/2013 - 9857 lượt xem.

Tác giả: Nhị Anh (tổng hợp)

Có những thương hiệu thuần Việt từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân nhưng nay tìm đỏ mắt cũng không thấy chúng trên thị trường. Một số thương hiệu vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường ngày một khốc liệt còn một số khác đã bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Mỹ phẩm Thorakao dần mất tiếng

Thorakao là một thương hiệu có tên tuổi lâu đời trên thị trường nội địa, đặc biệt là với sản phẩm kem nghệ được người tiêu dùng tin cậy. Vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước khi mỹ phẩm chưa phải là công cụ làm đẹp quen thuộc như ngày nay thì Thorakao đã được chị em phụ nữ tin dùng.

Trong thời đại công nghệ quảng cáo lên ngôi, nếu như các nhãn hàng mĩ phẩm khác thường xuyên lên sóng truyền hình trong các chương trình quảng cáo và thường xuyên thay đổi mẫu mã, chất lượng thì thì Thorakao lại gần không mặn mà với việc quảng bá thương hiệu, vẫn giậm chân tại chỗ, với chiến lược y như những năm 60, 70.

Từ vị trí được yêu thích hàng đầu, hiện nay với hơn 70 dòng sản phẩm nhưng Thorakao chỉ chiếm 20% thị trường trong nước và rất khó để tìm được một sản phẩm Thorakao ở thành phố lớn trong khi các sản phẩm của các công ty nước ngoài như Hazeline, Pond, Nivea tràn ngập thì trường từ thành thị đến nông thôn.

Nước rửa bát Mỹ Hảo mất chân trên thị trường

Mỹ Hảo là thương hiệu nước rửa bát thuần Việt từng thống trị thị trường trong nhiều năm nhưng sau đó đã bị thương hiệu nước rửa bát Sunlight của tập đoàn đa quốc gia Unilever “hạ gục”.

Mỹ Hảo ra đời vào những năm 90 của thế kỉ trước và độc chiếm thị trường nước rửa bát thời bấy giờ nhưng khoảng 10 năm sau mọi chuyện đã khác khi Unilever bước chân vào thị trường Việt Nam.

Mặc dù bước đi đầu tiên của Sunlight trên thị trường Việt Nam gặp không ít khó khăn nhưng sau đó Sunlight đã đánh bật thương hiệu nước rửa bát Mỹ Hảo vốn thân quen với đại bộ phận người tiêu dùng Việt bởi những cải tiến trong sản phẩm cũng như chiến dịch marketing, quảng cáo.

Nếu như Mỹ Hảo trung thành với chai nhựa tròn thân vàng nắp xanh thì Sunlight thường xuyên thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Trước đây, các bà nội chợ gần như mặc nhiên rằng nước rửa bát là phải ăn tay thì Sunlight tung ra sản phẩm nước rửa bát bảo vệ da tay, chứa Vitamin E.

Trong khi Mỹ Hảo gần như không có những clip quảng cáo trên các kênh truyền hình lớn thì quảng cáo Sunlight lại tràn ngập ngập trên TV cùng hình ảnh một loại nước rửa bát với kiểu dáng hiện đại, chất lượng tuyệt hảo, bảo vệ da tay…
Và kết quả là ngày nay nước rửa bát thịnh hành một thời đã biến mất trên thị trường.

Bột giặt Viso không còn thuần Việt

Thương hiệu bột giặt Viso trước kia là của Công ty hoá chất TP. Hồ Chí Minh, là nhãn hiệu bột giặt thuần Việt được nhiều người lựa chọn và tin dùng. Viso là thương hiệu lâu đời và quen thuộc với người tiêu dùng Việt bởi giá cả bình dân, cạnh tranh chủ yếu nhờ giá rẻ và phân phối rộng. Không chỉ có ưu thế về giá cả và mức độ phổ cập, bột giặt Viso còn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Mặc dù được đánh giá cao cả về giá cả lẫn chất lượng nhưng Viso cũng không thể giữ được một thương hiệu bột giặt thuần Việt.

Khi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, Unilever cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác chọn hình thức liên doanh để tiếp cận thị trường. Unilever khi đó hợp tác với nhiều công ty bột giặt đang có thị phần lớn ở trong nước để lập liên doanh. Và kết quả là các liên doanh như Lever-Viso, Lever-Haso lần lượt ra đời.

Không chỉ dừng lại ở đó, các tập đoàn đa quốc gia tìm đủ mọi cách để biến những liên doanh như vậy thành công ty 100% vốn nước ngoài. Trường hợp của Lever-Viso cũng vậy. Từ doanh nghiệp thuần Việt trở thành liên doanh và cuối cùng thương hiệu Viso không còn là của người Việt.

Hết đời kem đánh răng Dạ Lan, P/S

Hai mươi năm về trước người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn không biết đến những loại kem đánh răng thông dụng hiện nay như Colgate, Close Up… mà khi đó P/S và Dạ Lan là những cái tên đầu tiên được nghĩ tới trong lĩnh vực vệ sinh răng miệng.

Kem đánh răng P/S ra đời năm 1975, là sản phẩm của công ty hóa phẩm P/S. Thành lập khi đất nước được thống nhất, kem đánh răng P/S đã nhanh chóng thống lĩnh thị trường và luôn được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh P/S, kem đánh răng Dạ Lan cũng là một thương hiệu được người Việt vô cùng ưa chuộng. Ra đời năm 1988 tại TP.HCM, kem đánh răng Dạ Lan được biết đến với hương vị độc đáo, giá cả bình dân. Kem đánh răng Dạ Lan không chỉ có mặt từ thành phố đến nông thôn Việt Nam mà còn xuất khẩu sang Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Trước khi Unilever và Colgate Palmolive có mặt tại Việt Nam thì P/S và Dạ Lan chiến hơn 95% thị phần kem đánh răng trên toàn quốc.
Năm 1995, tập đoàn đa quốc gia Unilever đàm phán để được nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S với giá nhượng quyền cực kì hấp dẫn vào thời điểm đó là 5 triệu USD.

Sau khi nhượng quyền, P/S dần đánh mất vị thế trên thị trường cả về chất lượng, giá cả cũng như mẫu mã. Và cuối cùng từ nhượng quyền P/S đã bị thâu tóm và trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Câu chuyện xảy ra với Dạ Lan và Colgate Palmolive cũng tương tự P/S và Unilever, chỉ có điều là Dạ Lan không nhượng quyền sở hữu mà thành lập liên doanh với vốn góp 70% vốn ngoại và 30% vốn nội. Tuy nhiên sau đó 3 năm, do làm ăn thua lỗ cổ đông nội phải bán 30% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Và từ đó Dạ Lan cũng chịu chung số phận như P/S.

 Nguồn Vef.vn