Xây dựng Ngân sách cá nhân

Đăng bởi: Hân Trần - Friday 03/03/2023 - 989 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

BÀI 4 : XÂY DỰNG NGÂN SÁCH

Ngân sách là gì, đơn giản đó là một quá trình phân loại thu nhập và chi phí của bạn trong một khoảng thời gian cụ thể và xem xét tính tương quan của thu nhập và chi phí.

Có vẻ đây là một việc khá nhàm chán, tẻ nhạt, tuy nhiên lập ngân sách là một quá trình cực kỳ hữu ích :

  • Ngân sách giúp bạn theo dõi thu nhập và chi phí. Để hiểu chính xác tiền của bạn đến từ đâu và nó sẽ đi đâu mỗi tuần, mỗi tháng hoặc trong bất kỳ khoảng thời gian xác định nào đó. Ngân sách cần thiết cho việc lập kế hoạch tài chính trong tương lai : dựa trên số liệu quá khứ chúng ta có những điều chỉnh cho phù hợp và tối ưu trong tương lai.
  • Xác định được các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng xuất hiện và trở nên khó kiểm soát
  • Lập kế hoạch và chuẩn bị tài chính cho các mục tiêu tương lai, cho các tình huống có thể dự đoán được, và cả những tình huống bất ngờ
  • Lập ngân sách để ứng phó với những thay đổi về tình hình tài chính của bạn.
  • Sử dụng ngân sách để tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn – trung – dài hạn.

SÁU BƯỚC THIẾT LẬP NGÂN SÁCH

Bước 1 : Đánh giá tình hình tài chính hiện tại, thông qua Bảng CĐTK cá nhân và Giá trị tài sản ròng

Bước 2 : Xác định các nguồn thu nhập, chủ động và thụ động, gồm các nguồn từ công việc, từ việc cho thuê tài sản, từ lợi nhuận đầu tư, kinh doanh …

Bước 3 : Xác định chi phí phát sinh, có thể phân loại thành : chi phí cố định / chi phí biến đổi, chi phí thiết yếu / chi phí nhu cầu … Bạn cần biết lịch trình chi trả các khoản chi phí : phát sinh hàng ngày, theo tuần, tháng, quý hay năm.

Bước 4 : Xác định các mục tiêu tài chính và các mục tiêu khác trong cuộc sống. Định mức tiết kiệm để đạt các mục tiêu / nhu cầu ngắn – trung – dài hạn.

Bước 5 : Cộng các nguồn thu nhập và chi phí. Dòng tiền = Thu nhập – Chi phí. Dòng tiền dương khi bạn còn dư tiền, là âm khi bạn thiếu tiền.

Bước 6 : Sau khi xác định được dòng tiền, tùy theo ngân sách đang âm hay dương mà chúng ta có các bước điều chỉnh thích hợp.

  • Dòng tiền dương, bạn kiểm tra lại xem còn sót khoản chi nào không. Số tiền dư có thể dùng để gia tăng khoản tiết kiệm / đầu tư.
  • Dòng tiền âm, bạn cần xem xét các khía cạnh : bạn có thể gia tăng thu nhập hay không ? Hoặc là bạn cần cắt giảm chi tiêu. Cũng có thể khoản tiết kiệm của bạn quá cao, cần đánh giá lại


Thiết lập Ngân sách cho nhiều năm, gắn với các mục tiêu ngắn – trung – dài hạn sẽ cho chúng ta bức tranh tổng thể về tình hình tài chính trong tương lai.

Nguồn : Hana Tran
Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )