CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
BÀI 5 : THIẾT LẬP MỤC TIÊU TÀI CHÍNH CÁ NHÂN– SMART GOALS
FINANCIAL PLANNING
Là một quá trình xem xét và phân tích các yếu tố về mục tiêu và tình hình tài chính của một chủ thể, cùng các yếu tố liên quan như môi trường kinh tế xã hội và luật pháp, để từ đó đưa ra các kế hoạch vận dụng phù hợp các sản phẩm tài chính và đầu tư trên cơ sở các luật định liên quan để đạt được các mục tiêu tài chính khác nhau của chủ thể, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong bài viết này chúng ta sẽ nói về mục tiêu (tài chính). Đầu tiên, hãy nghĩ đến những gì là quan trọng đối với chúng ta và chúng ta muốn gì trong cuộc sống của mình? Ai cũng bận rộn, cuộc sống luôn tất bật, tuy nhiên chúng ta cần dừng lại, sống chậm lại và mơ ước một chút, suy nghĩ về việc “Tôi đang cố gắng trong cuộc sống vì điều gì? Tôi có đang trên đường đến ước mơ của mình không? Tôi có đang hướng tới những ước mơ đó không?”. Chúng ta sẽ dành một ít thời gian để vẽ nên ước mơ đó.
Chúng ta hãy vẽ một bức tranh màu về chúng ta ở tương lai, có thể là 3 tháng sau, 1 năm sau, trong 5, 10, 15, 25 năm nữa hoặc lâu hơn. Bạn muốn làm gì và cuộc sống của bạn trông như thế nào ở tương lai đó?
- Có thể bạn đang nghĩ về bạn bè, người thân, và nghĩ đến những khoảnh khắc vui vẻ bên họ, tận hưởng niềm vui cùng nhau.
- Có thể bạn là 1 người yêu thích thể thao, mục tiêu và ước mơ của bạn là có thể tìm được một công việc cho phép bạn kết hợp tình yêu thể thao với mục tiêu về tài chính. Một ước mơ tuyệt vời.
- Có thể bạn nghĩ đến ngôi nhà và những đứa trẻ, gia đình là nơi sum vầy hạnh phúc.
- Có thể bạn đang thấy mình đang vi vu trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi…
Ước mơ của bạn là gì? Đây là cơ hội để bạn suy nghĩ về những gì bạn muốn có, muốn thực hiện trong cuộc sống của mình. Làm thế nào để chúng ta biến những điều đó thành hiện thực? Trong đa số trường hợp, tiền là một trong những phương tiện giúp chúng ta đạt được những ước mơ và mục tiêu đó.
Bước tiếp theo trong lập kế hoạch tài chính thực sự là biến ước mơ của chúng ta thành hiện thực bằng cách biến chúng thành mục tiêu tài chính. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó ?
Có nhiều ưu điểm khi viết ra các mục tiêu tài chính.
- Có mục tiêu tài chính thì chúng ta thiết lập các bước hành động cụ thể, khiến cho chúng trở nên khả thi, có thể thực hiện được.
- Nó cho phép chúng ta đo lường sự tiến bộ của mình theo thời gian. Qua đó chúng ta có thể xác định được chúng ta có đạt được mục tiêu tài chính của mình không, chúng ta có đang tiến bộ và có các bước đi đúng không ?
- Và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu bạn viết ra các mục tiêu của mình một cách cụ thể, bạn có nhiều khả năng đạt được chúng hơn nhiều so với một người chỉ vẩn vơ suy nghĩ.
Phương pháp xác định mục tiêu SMART chắc hẳn quen thuộc với mọi người:
- Specific: các mục tiêu cần rõ ràng, cụ thể, thiết thực nhất
- Measurable: các mục tiêu có thể đo lường được, cần bao nhiêu tiền
- Attainable: các mục tiêu phải phù hợp với nguồn lực của bạn
- Realistic: có tính khả thi, có thể thực hiện được, phù hợp với các điều kiện hiện tại
- Time-bound: cần ấn định mốc thời gian để đạt mục tiêu
Chúng ta xem xét cụ thể một mục tiêu SMART được thiết lập ra sao. Một bạn trẻ vừa ra trường, mới đi làm được vài tháng, muốn mua một chiếc xe máy tay ga mới khoảng 50trđ ( bao gồm các khoản phí ). Bạn đang có sẵn 10trđ và quyết định rằng bạn sẽ vay trả góp phần còn lại. Hàng tháng bạn sẽ có 2trđ để thanh toán cho khoản vay.
Mục tiêu SMART sẽ là: Mua trả góp 1 xe máy tay ga mới với 10trđ, phần còn lại vay trả góp, sẽ trả nợ vay 2trđ/tháng
- Specific: Mua xe tay ga mới
- Mesurable: Cần có 50trđ, có sẵn 10trđ, vay trả góp 40trđ. Khoản vay tín chấp, lãi suất có thể lên đến 20%
- Attainable và Realistic: Mỗi tháng trả gốc và lãi 2trđ
- Time-bound: Mất 2.5 năm để hoàn trả toàn bộ khoản vay
Thoạt đầu, mục tiêu có vẻ rất rõ ràng và chi tiết. Tuy nhiên, khi tư vấn cho bạn trẻ này, tôi tìm hiểu thêm về mong muốn của bạn, giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo hướng thiết thực nhất: Xe máy là phương tiện đi lại. Bạn có nhất thiết mua một chiếc xe mới cóng, để rồi phải mất 2.5 năm để trả nợ, đồng thời phải bỏ qua hết những nhu cầu khác trong suốt thời gian này ? Bạn có thể mua một chiếc xe máy đã qua sử dụng, phù hợp với ngân sách và nhu cầu của mình hơn. Bạn có thể chọn mua một chiếc xe số với giá 10-12tr, không phát sinh nợ nần và phải trả lãi vay tiêu dùng cao, để dành tiền cho các mục đích khác như học hành, du lịch trải nghiệm …
Chúng ta thực hiện tương tự cho các mục tiêu dài hạn. Tất nhiên là việc thực hiện các mục tiêu dài hạn đòi hỏi tính kỉ luật và cam kết cao, bên cạnh xem xét đến các yếu tố thay đổi theo thời gian.
Viết ra các mục tiêu, xem xét tính khả thi của chúng, theo dõi tiến độ thực hiện, điều chỉnh mục tiêu nếu cần thiết. Viết ra các mục tiêu cũng giúp bạn có định hướng cụ thể hơn, giống như một bản đồ mà bạn có thể tham khảo. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu thiết lập cho mình các mục tiêu ngắn và dài hạn.
Nguồn: Hana Tran
Biên tập: Trần Thị Mai Hân (Hana Tran)