Kế toán quản trị là gì? Vai trò, chức năng của kế toán quản trị

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Monday 10/04/2023 - 2017 lượt xem.

Kế toán quản trị đã và đang trở thành một chuyên ngành hấp dẫn và đã có những thay đổi to lớn để đáp ứng với những thách thức trong môi trường mới mà hiện nay hầu hết các tổ chức trên khắp thế giới đều phải đối diện. Thông tin kế toán quản trị giúp đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà quản trị để quản lý một cách hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và tạo ra giá trị tăng thêm cho khách hàng và cổ đông. Kế toán quản trị ra đời kết hợp với kế toán tài chính đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà quản trị. Để tìm hiểu rõ hơn về kế toán quản trị, hãy cùng Webketoan tham khảo bài viết sau đây nhé!

Kế toán quản trị là gì? 

Kế toán quản trị là một bộ phận cấu thành của hệ thống thông tin kế toán nói chung trong các doanh nghiệp.

Theo Luật kế toán Việt Nam: “Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.”
Theo định nghĩa của Hiệp hội kế toán viên quản trị Hoa Kỳ: “Kế toán quản trị là quá trình nhận diện, đo lường, tổng hợp, phân tích, soạn thảo, diễn giải và truyền đạt thông tin được nhà quản trị sử dụng để lập kế hoạch, đánh giá và kiểm tra trong nội bộ tổ chức và để đảm bảo việc hợp lý và có trách nhiệm đối với các nguồn lực của tổ chức đó.

kế toán quản trị

Kế toán quản trị là gì? – Webketoan

Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Các nhà điều hành đều có chung mong muốn quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xoay quanh việc xử lý thông tin và đưa ra quyết định phù hợp. Do đó, vai trò của kế toán quản trị chính là cung cấp thông tin để các chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa ra các quyết định quản trị. Quá trình ra quyết định cho hoạt động kinh doanh có thể được mô tả theo các bước sau:

  • Xây dựng kế hoạch: Người quản lý doanh nghiệp luôn có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, gắn với các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
  • Tổ chức thực hiện: Các nhà quản lý sẽ quyết định cách tốt nhất để gắn kết tổ chức, con người và các nguồn lực lại với nhau sao cho các kế hoạch có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
  • Kiểm soát: Sau khi kế hoạch và tổ chức thực hiện, những nhà quản lý phải kiểm tra, đánh giá kế hoạch đang được thực hiện như thế nào.
  • Đánh giá và ra quyết định: Việc đưa ra quyết định thường dựa trên cơ sở tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Trong đó, thông tin kế toán quản trị luôn giữ vai trò có tính chất quyết định và độ tin cậy cao nhất. Các nhà quản trị sẽ phải đứng trước nhiều phương án kinh doanh khác nhau, mỗi phương án bao gồm nhiều hệ thống thông tin đa dạng như số lượng, chủng loại, chi phí, lợi nhuận, vốn, thị trường… Do đó, kế toán quản trị cần phải biết tổng hợp, phân tích và chọn lọc được những hệ thống thông tin phù hợp nhất. Các nhà quản trị sẽ thông qua đánh giá do kế toán quản trị cung cấp để có thể đưa ra được các quyết định cũng như nhiều phương án tối ưu.

So sánh kế toán quản trị và kế toán tài chính

So sánh giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính – Webketoan

Điểm giống nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều có mối quan hệ chặt chẽ về dữ liệu và thông tin. Các dữ liệu cho kế toán tài chính và kế toán quản trị được lấy từ các tài liệu chính với mục đích phản ánh thông tin và hiệu quả kinh doanh cho chủ doanh nghiệp. Cả hai lĩnh vực này cũng đều quan tâm đến các số liệu thu nhập, chi phí, tài sản, dòng vốn và đều là công cụ quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm như một người quản lý.

Điểm khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Để đánh giá sự khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính, chúng ta cần dựa theo các tiêu chí sau:

Tiêu chí

Kế toán quản trị

Kế toán tài chính

Mục đích

Cung cấp các thông tin nhằm phục vụ cho công tác quản trị và điều hành nội bộ.

Cung cấp nguồn thông tin về tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh cho các đối tượng bên trong và ngoài Doanh nghiệp.

Đối tượng phục vụ

Các nhà quản trị của Doanh nghiệp như ban giám đốc hoặc hội đồng quản trị.

Các nhà quản lý Doanh nghiệp và cả những đối tượng khác như các nhà đầu tư, các ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê,…

Cơ sở và nguyên tắc trình bày

Các báo cáo phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc của các Doanh nghiệp. Chính vì thế, bạn sẽ không so sánh được nhiều công ty với nhau.

Các báo cáo được xây dựng trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn của kế toán. Nhờ vậy, người đọc có thể so sánh được dữ liệu của nhiều Doanh nghiệp với nhau và có một cách hiểu giống nhau hơn về những vấn đề kế toán cũng như báo cáo tài chính. 

Pháp lý kế toán

Mang tính độc lập, thuộc quyền của mỗi doanh nghiệp gắn với đặc điểm, nhu cầu hoạt động, điều kiện và năng lực tài chính thực tế của các Doanh nghiệp.

Mang tính tổ chức, nghĩa là hệ thống sổ sách, ghi chép, báo cáo và cung cấp thông tin của kế toán tài chính cần phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định nếu muốn được thừa nhận.

Đặc điểm thông tin

– Hướng về tương lai.
– Linh hoạt.
– Thích hợp.
– Biểu hiện bằng giá trị, hiện vật
và sức lao động.

– Phản ánh quá khứ.
– Chính xác.
– Tuân thủ nguyên tắc kế toán.
– Biểu hiện dưới hình thức giá trị.

Hình thức sử dụng

Báo cáo kế toán quản trị liên quan đến việc quản lý trên mỗi phòng ban cho đến các nhân viên có liên quan. 

Thông tin kế toán tài chính liên quan đến việc quản lý tài chính trên phạm vi của toàn bộ công ty.

Hình thức báo cáo

Đi sâu vào chi tiết của từng bộ phận và từng khâu công việc.

Chỉ cần tổng hợp phản ánh tổng quát về sản nghiệp cũng như kết quả hoạt động kinh doanh.

Kỳ báo cáo

Báo cáo theo từng tháng, quý, năm, tuần, thậm chí là báo cáo theo ngày để có thông tin kịp thời cho những thay đổi bất thường của Doanh nghiệp.

Báo cáo theo tháng, quý và năm.

Tính pháp lý

Không mang tính pháp lệnh. Thông tin đa dạng, phong phú mang tính chất linh hoạt.

Mang tính pháp lệnh cao, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán.

Qua các điểm giống và khác nhau, có thể thấy rằng bản chất thông tin của kế toán quản trị hầu như rất khác so với thông tin của kế toán tài chính. Do đó, cách thức tổ chức hạch toán để thu nhận thông tin cũng thường khác nhau từ khâu ghi nhận thông tin trên chứng từ, phân loại thông tin, xử lý và phân tích các thông tin… 

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vai trò của thông tin kế toán quản trị ngày càng được mở rộng và khẳng định vị thế phát triển hơn. Mặt khác, các mô hình tổ chức quản lý cũng thay đổi theo sự phát triển của công nghệ thông tin và các công cụ phân tích hiện đại thông qua hệ thống máy tính. Điều này dẫn đến việc thông tin kinh tế sẽ ngày càng hội nhập cao và mang tính chất toàn cầu hơn. Vì vậy, quá trình thu thập, xử lý thông tin cũng đòi hỏi phải nhanh, chính xác và mang tính chuẩn mực nhất có thể. Trước sự đòi hỏi khách quan này, trình độ của các nhà quản trị bắt buộc phải ngày càng nâng cao để đáp ứng và thỏa mãn nền kinh tế hội nhập, phát triển. Lúc này, các hệ thống thông tin của kế toán quản trị sẽ mang lại cho doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội và thách thức mới tiềm năng hơn. 

Cùng học kế toán quản trị tại Webketoan.edu

 

Nguồn tham khảo:

Giáo trình kế toán quản trị – Đại học Kinh tế

www.investopedia.com