Phân tích tài chính (Financial analysis) là gì? Mục tiêu và ý nghĩa của phân tích tài chính

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 26/04/2023 - 4521 lượt xem.

Phân tích tài chính ngày càng được chú trọng bởi nhu cầu quản lý doanh nghiệp có hiệu quả ngày càng tăng, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính, sự phát triển của các tập đoàn kinh doanh và khả năng sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin. Nghiên cứu phân tích tài chính là khâu quan trọng trong công tác quản lý và điều hành doanh nghiệp. Vậy phân tích tài chính là gì? Có mục tiêu và ý nghĩa gì đối với nhà quản lý doanh nghiệp? Mời bạn đọc cùng Webketoan tìm hiểu nhé!

Phân tích tài chính là gì?

phân tích tài chính

Phân tích tài chính (Financial analysis) có thể được hiểu là các phương pháp và kỹ thuật phân tích được sử dụng để làm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp, cho phép đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng cũng như các dự báo có thể về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai.

Phân tích tài chính tạo ra giá trị “khổng lồ” cho các nhà đầu tư, cung cấp số liệu phân tích và đưa ra lời khuyên đầu tư cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Phân tích tài chính làm giảm bớt các nhận định chủ quan, dự đoán và những trực giác trong kinh doanh, góp phần làm giảm bớt tính không chắc chắn cho các hoạt động kinh doanh. Như vậy, mỗi đối tượng sẽ quan tâm tới một khía cạnh khác nhau về tình hình tài chính của doanh nghiệp

Mục đích của phân tích tài chính

Về cơ bản, tất cả những chủ thể mà lợi ích của họ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến doanh nghiệp thì đều sẽ có nhu cầu tiến hành việc phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp đó. Họ có thể là các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai, các đối tác kinh doanh, các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước, người lao động trong doanh nghiệp…

  • Đối với nhà quản trị doanh nghiệp: Các thông tin từ phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp họ có thể nắm bắt cụ thể thực trạng tài chính để kiểm soát các mặt hoạt động của doanh nghiệp. Các kết quả phân tích tài chính doanh nghiệp vừa là cơ sở để thực hiện các dự báo tài chính, vừa là căn cứ để các nhà quản trị tài chính có thể đưa ra các quyết định tài chính thích hợp như quyết định đầu tư, quyết định tài trợ vốn…
  • Đối với chủ sở hữu và nhà đầu tư: Các kết quả phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp cho họ đánh giá đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra các quyết định tiếp tục duy trì đầu tư, tăng cường đầu tư hay rút vốn đầu tư khỏi doanh nghiệp.
  • Đối với tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính…): Các kết quả phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp cho họ có thể đánh giá chính xác tình hình và khả năng tài chính của doanh nghiệp để quyết dịnh cho vay và thu hồi nợ.
  • Đối với người lao động của doanh nghiệp: Các thông tin từ phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp cho họ nhận biết được thực trạng tốt xấu và tương lai của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra các quyết định tiếp tục gắn bó hay rút khỏi doanh nghiệp để tìm những cơ hội việc làm và thu nhập mới tốt hơn.
  • Đối với cơ quan nhà nước (cơ quan thuế, tài chính…): Các thông tin từ phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp cho các cơ quan này có thể kiểm soát và giám sát tốt hơn việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Ý nghĩa của phân tích tài chính

  • Tạo ra chu kỳ đánh giá hiệu quả của từng hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện những nguyên tắc về quản lý tài chính, đo lường hiệu quả tài chính và khả năng năng giải quyết rủi ro về tài chính, thanh toán tài chính của doanh nghiệp.
  • Đảm bảo các quyết định đầu tư được đưa ra từ ban giám đốc được chính xác và sát với thực trạng đang diễn ra của công ty.
  • Kết quả thu được từ việc phân tích tài chính sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện việc kiểm tra và giám sát các hoạt động quản lý trong doanh nghiệp

Phân tích tài chính là công việc quan trọng luôn cần được tiến hành trước mỗi dự án, ý định đầu tư của doanh nghiệp. Hiểu phân tích tài chính là gì và những thông tin cơ bản về phân tích tài chính giúp doanh nghiệp áp dụng được các biện pháp phân tích phù hợp với mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng với nội dung bài viết trên đây Webketoan đã cung cấp những thông tin hữu ích nhất tới độc giả.

Nguồn tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp NEU