CHUYÊN ĐỀ V: TÍN DỤNG – Xử lý Nợ
BÀI 8 : CÁCH THỨC XỬ LÝ NỢ ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH
Quản lý nợ là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính cá nhân. Cho dù là vay tín chấp hay thế chấp, bạn cần có kế hoạch từng bước trả nợ, xóa nợ để cải thiện tình hình tài chính. Sau đây là 3 bước bạn có thể tham khảo.
1. Xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn
Mục tiêu của việc lập kế hoạch tài chính không phải là trả nợ càng nhanh càng tốt, mà cần cân đối với các mục tiêu khác trong cùng thời điểm đó. Thông qua quản lý chi tiêu chặt chẽ, khoản tiền dư ra hàng tháng cần được tính toán tối ưu.
Chúng ta cần xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp (từ 3 – 6 tháng thu nhập) song song với việc phân bổ nguồn tiền cho trả nợ. Khi có vấn đề, bạn có thể dùng tạm quỹ dự phòng khẩn cấp, tránh được việc vay nóng với lãi suất cao.
Nhờ tính toán các khoản chi tiêu, bạn có thể xác định các vấn đề ở hiện tại và rủi ro tiềm ẩn trong tương lai để có hướng xử lý phù hợp.
Với người trẻ, bạn cần có bảo hiểm nhân thọ như một tấm lá chắn bảo vệ khỏi các rủi ro. Điều cần làm là trả trước các khoản lãi suất cao, giảm dần áp lực nợ và tiết kiệm để mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
2. Phân tích và cơ cấu lại các khoản nợ
Chúng ta có thể phân loại nợ thành nợ tốt và nợ xấu. Theo đó, nợ tốt là những khoản vay để đầu tư. Khi đó chúng là đòn bẩy tài chính giúp bạn gia tăng tài sản tốt hơn. Còn nợ xấu là những khoản vay tiêu dùng, khi chi nhiều hơn thu và phải vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cá nhân.
Một lợi ích khác của việc kiểm soát nợ là cải thiện điểm tín dụng. Ngân hàng và các công ty tài chính đang sử dụng điểm số này trong việc phê duyệt khoản vay, đồng thời quyết định lãi suất và hạn mức vay.
Sau khi xem xét các khoản nợ đang nắm giữ, chúng ta sẽ tiến đến bước tiếp theo để thoát nợ.
3. Chiến lược xử lý nợ
Nếu đang có khoản nợ lãi suất cao, bạn cần ưu tiên thanh toán sớm hơn các khoản này. Càng sớm trả nợ lãi suất cao, bạn càng có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn để thanh toán các khoản lãi khác. Có một số chiến lược bạn có thể thử áp dụng.
Chiến lược 1: Nợ tuyết lở
Bạn sẽ ưu tiên xử lý các khoản nợ có lãi suất cao trước rồi đến lãi suất thấp hơn, giúp giảm thiểu số tiền lãi phải trả. Cách thực hiện như sau:
Bước 1: Liệt kê những khoản nợ, sắp xếp từ mức lãi suất cao nhất đến thấp nhất.
Bước 2: Tính toán số tiền bạn phải trả cho tất cả các khoản nợ mỗi tháng. Mỗi một đồng thừa lại sau khi dành cho chi tiêu hàng tháng cần được dùng để trả nợ.
Bước 3: Thanh toán mức tối thiểu trên tất cả dư nợ, đảm bảo luôn thanh toán đúng hạn. Sau đó sẽ thanh toán khoản nợ có lãi suất cao nhất.
Bước 4: Sau khi trả xong món nợ có lãi suất cao nhất sẽ đến thanh toán khoản nợ tiếp theo như đã liệt kê.
Chiến lược 2: Nợ cầu tuyết
Khác với phương pháp trên, bạn sẽ trả từ khoản nợ nhỏ nhất đến lớn nhất. Mỗi khi trả hết một khoản nợ, bạn sẽ có cảm giác hưng phấn về mặt tài chính, thúc đẩy để tiến tới trả xong các khoản còn lại một cách nhanh chóng. Cách thực hiện như sau:
Bước 1: Liệt kê những khoản nợ, sắp xếp từ mức thấp nhất đến cao nhất mà không cần quan tâm đến lãi suất.
Bước 2: Đánh giá số tiền bạn phải trả cho tất cả các khoản nợ mỗi tháng. Mỗi một đồng dư ra sau khi dành cho chi tiêu hàng tháng cần được dùng để trả nợ.
Bước 3: Thanh toán mức tối thiểu trên tất cả dư nợ, đảm bảo luôn thanh toán đúng hạn. Sau đó sẽ thanh toán khoản nợ có dư nợ thấp nhất.
Bước 4: Sau khi thanh toán món nợ có số dư thấp nhất thì chuyển sang các khoản tiếp theo như đã liệt kê.
Đây có thể là chiến lược khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất và cũng được ưa chuộng nhất. Dù cách này sẽ khiến bạn trả lãi cao hơn, nhưng nó lại giúp bạn duy trì mục tiêu xóa nợ tốt hơn.
Chiến lược 3: Tái cơ cấu nợ
Chúng ta tái cơ cấu khoản nợ từ lãi suất cao sang khoản nợ có lãi suất thấp hơn với mức phí chấp nhận được. Phương pháp này còn được gọi với tên khác là đảo nợ. Để làm được, bạn cần có một đơn vị hỗ trợ.
Chiến lược tốt nhất là chiến lược mà bạn có thể tuân thủ nghiêm chỉnh. Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm, tìm ra cách thức phù hợp với bản thân.
Nguồn: Hana Tran – Laodong.vn
Biên tập: Trần Thị Mai Hân (Hana Tran)
3 điều nên cân nhắc khi làm thẻ tín dụng – Webketoan – Tư vấn Kế toán online