Các chiêu thức lừa đảo tài chính phổ biến

Đăng bởi: Hân Trần - Sunday 09/07/2023 - 956 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ III: QUẢN LÝ RỦI RO

BÀI 9: CÁC CHIÊU THỨC LỪA ĐẢO TÀI CHÍNH PHỔ BIẾN

Lướt mạng XH chúng ta thấy có rất nhiều lời mời về “Các bí mật kiếm tiền nhanh chóng”, “Làm nhiệm vụ online, thu nhập cao” cũng như rất nhiều chiêu trò. Chúng lặp đi lặp lại nhưng vẫn tiếp tục có nhiều nạn nhân mới. Câu hỏi thực sự không phải là cách làm giàu nhanh. Câu hỏi thực sự là : “Sao ta cứ bị lừa dối bởi những trò cũ rích vậy ? Và ta làm sao để tránh mắc bẫy ?”. Hãy điểm qua những chiêu trò núp bóng dưới nhiều hình thức sau đây :

1. Trả trước ( Advance fee )

Chắc hẳn bạn đã từng nhận được tin nhắn : “Chúc mừng bạn đã trúng số, bạn chỉ cần nộp thuế để nhận thưởng”, “Khoản vay của bạn đã được duyệt”… Và khi bạn hết sức tin rằng họ sẽ chuyển tiền vào tài khoản của bạn, đó là khi họ yêu cầu bạn trả trước 1 khoản phí nhất định. Đó là trò lừa đảo Trả trước. Bạn trả tiền bây giờ để đổi lấy rất nhiều tiền sau đó, số tiền mà bạn chẳng bao giờ nhận được.

Bản thành công nhất của chiêu lừa đảo này đã có từ hàng trăm năm trước. Bạn nhận được thư từ người rất giàu mà đang cần ít tiền để thoát khỏi tình huống tồi tệ. Khi hết khó khăn, họ sẽ gởi bạn phần thưởng tuyệt vời. Mấy lá thư này thường đến từ các phạm nhân, nhưng gần đây chúng đến từ các hoàng tử Nigeria, những kẻ không tồn tại. Trò này diễn ra từ trước khi internet phổ biến.

Có thể người bạn nước ngoài mới quen muốn tặng quà đắt giá cho bạn. Sau đó “nhân viên hải quan” sẽ yêu cầu bạn nộp tiền để thanh toán cước phí, đóng thuế… Đôi khi số tiền bị lừa cứ nâng mãi vì hết loại phí này đến loại thuế kia được nêu ra, nếu ngưng trả thì mất đi những khoản đã nộp trước đó.

Trò lừa đảo Trả trước này vẫn có thể lừa người ta được hàng triệu đô mỗi năm.

2. Một trò lừa đảo khác phức tạp hơn, có tên gọi vui hơn nhiều, đó là Mô hình Bơm và Bán ( Pump and Dump ). Nhà đầu tư bị thuyết phục đầu tư vào thứ vô giá trị, làm tăng giá của thứ đó, rồi bán thu tiền về khi giá của nó cao nhất. Ngày nay, trò này rất hay xảy ra với tiền ảo. Sẽ có kẻ chủ mưu gởi tín hiệu bơm ở các ứng dụng nhắn tin như Telegram. Đám trong cuộc vội mua tiền ảo để đẩy giá. Rồi những người khác tưởng đó là loại tiền quan trọng bèn vội vàng mua nó. Thế rồi người trong cuộc bán ra. Toàn bộ chu trình chỉ mất vài phút.

Hình thức lừa đảo này còn được phát triển dưới hình thức vỏ bọc dự án đầu tư, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Dự án thường được huy động và trả lãi theo nhiều tầng, có mức hoa hồng cao cho người giới thiệu, lấy tiền người sau để trả lãi và hoa hồng cho người trước. Đến một thời điểm nào đó, bọn lừa đào đánh sập dự án và bỏ trốn cùng với số tiền đã huy động của những nhà đầu tư.

3. Mô hình lừa đảo đầu tư lâu dài hơn, Ponzi, có thể duy trì hàng thập kỉ. Đây là hình thức trả tiền cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới. Vấn đề là nếu cùng 1 lúc có đủ số nhà đầu tư yêu cầu trả lại tiền, hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới thì mô hình sẽ sụp đổ. Bản chất mô hình này là không có bất cứ hoạt động đầu tư sinh lời nào. Tuy nhiên những người tổ chức mô hình này thường sử dụng những dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới để thu hút nhà đầu tư.

Có thể nhận diện mô hình Ponzi qua các dấu hiệu sau :

  • Kêu gọi đầu tư với lợi nhuận cao, lấy tiền đầu tư của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ và ngụy trang là lợi nhuận
  • Cam kết không có rủi ro và có thể hoàn vốn
  • Hạn chế nhà đầu tư rút vốn bằng cách mời chào các gói đầu tư mới khi đến hạn trả tiền

4. Mô hình Ponzi thường bị nhầm với mô hình Kim tự tháp, Pyramid. Người tham gia thường được yêu cầu trả trước 1 số tiền lớn, A được trả tiền nếu gã thuyết phục được B tham gia. Và B đem C tới thì cả A và B đều nhận tiền, và cứ như vậy. Với mô hình Kim tự tháp, sản phẩm thường vô dụng nên phần lớn thu nhập có được từ việc tuyển dụng thêm người tham gia hệ thống. Và khi mô hình không thể tuyển thêm người, thì toàn bộ mô hình sụp đổ.

5. Ngoài ra, các hình thức lừa đảo hiện rất phổ biến khác như:

  • Mạo danh cơ quan pháp luật, đe dọa một người rằng họ đang bị điều tra, yêu cầu chuyển tiền vào 1 tài khoản để đóng băng và bảo vệ tiền, đây là tài khoản của kẻ lừa đảo
  • Dụ dỗ nạp tiền để làm “nhiệm vụ online”, dễ dàng có thu nhập cao. Lần đầu nạp tiền thì nhận về thu nhập ngay, các lần nạp sau cứ có lỗi, cần chuyển thêm để hoàn tất nhiệm vụ với số tiền ngày càng cao. Vì tiếc số tiền đã chuyển trước đó chưa thu về được nên nạn nhân thường tiếp tục chuyển, cho đến khi nghi ngờ thì đã muộn
  • Tin nhắn giả mạo từ các ngân hàng với đường link truy cập. Nạn nhân đăng nhập vào và nhập mã OTP theo yêu cầu thì toàn bộ tiền trong tài khoản biến mất.
  • Hack tài khoản rồi nhắn tin mượn tiền, hoặc gởi link có mã độc để đánh cắp tài khoản

Hầu hết ta nghĩ ta giỏi phát hiện dối trá. Đó là 1 lý do ta thường bị lừa. Nói về mặt tiến hóa, ta như được lập trình để tin tưởng. Nhưng vậy cũng tức là ta dễ bị lừa khi gặp người có ý xấu, là những người lợi dụng ta vì mục đích cá nhân và độc hại của họ. Công nghệ đã khiến điều đó ngày càng dễ dàng hơn.

Có kiểu người dễ bị lừa cụ thể không ? Có phải do không thông minh ? Có phải do giáo dục không ? Có phải do cả tin không ? Câu trả lời là không. Một số nghiên cứu cho thấy, người già dễ bị lừa hơn. Một số nghiên cứu khác thì chỉ ra họ ít khi bị lừa. Không có điểm chung của các nạn nhân. Tất cả mọi người, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Ricky Jay, là một diễn viên, nhà văn và ảo thuật sinh ra ở Brooklyn – Mỹ, đã từng nói “Bạn sẽ không muốn sống trong một thế giới mà thiếu sự kết nối, bởi vì điều đó có nghĩa là bạn đang sống mà không có niềm tin vào ai hay bất cứ gì”. Tất cả chúng ta, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo ( tài chính ). Bởi vì, chúng ta có niềm tin vào người khác !

Nguồn : Trần Thị Mai Hân – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT
Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )

Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay không? – Webketoan – Tư vấn Kế toán online