Một trong những phương pháp quản lý đang thu hút sự chú ý lớn trong kinh doanh ngày nay đó chính là phương pháp Holacracy – mô hình tự quản. Với việc loại bỏ cấu trúc quản lý truyền thống và tạo ra một hệ thống cơ bản dựa trên vai trò và quá trình, Holacracy đã giúp các doanh nghiệp tạo ra một mạng lưới quản lý vô cùng linh hoạt và thích ứng nhanh chóng với công việc. Để tìm hiểu sâu hơn về phương pháp tự quản Holacracy là gì, ưu nhược điểm và cách mà phương pháp này hoạt động để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của Webketoan.
Phương pháp tự quản Holacracy là gì?
Thuật ngữ “Holacracy” xuất phát từ từ “holon”, được Arthur Koestler đưa ra trong cuốn sách “The Ghost in the Machine” năm 1967. “Holon” là một đơn vị tự trị, là một phần của một tổng thể lớn hơn, hậu tố “cracy” mang ý nghĩa là “được cai trị bởi”. Chính vì vậy, Holacracy đề cập đến một hệ thống quản lý tổ chức được cai trị bởi các đơn vị tự trị, tương tự như chế độ dân chủ – một hệ thống cai trị bởi người dân.
Hiểu theo nghĩa ngày nay, Holacracy chính là một hệ thống quản lý doanh nghiệp mà trong đó các thành viên của công ty tự độc lập tổ chức đồng thời liên kết với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ cũng như những mục tiêu chung mà công ty đã đặt ra. Hình thức quản lý này được tạo ra để đáp ứng yêu cầu của môi trường làm việc hiện đại.
Cách hoạt động của Holacracy
Trong hệ thống quản lý Holacracy, mỗi cá nhân thực hiện một hoặc nhiều vai trò đại diện khác nhau cho tổ chức. Các vai trò này có thể chồng chéo hoặc tách biệt giữa các vòng tròn với nhau, nhưng đều trong một mạng lưới liên kết lớn hơn của tổ chức. Vì vậy, mỗi một cá nhân có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong một vòng tròn nhưng có thể sẽ là người thực thi trong một hoặc nhiều vòng tròn khác.
Mỗi vòng tròn đều có khả năng tự quản. Các thành viên trong vòng tròn tự chỉ định vai trò và chịu trách nhiệm cho lĩnh vực của mình trong tổ chức, đồng thời đảm bảo rằng các vòng tròn sẽ hoạt động hài hòa với sứ mệnh cũng như mục tiêu chung của tổ chức.
Ưu nhược điểm của Holacracy
Ưu điểm
Đầu tiên, vì nhân viên có thể được tự do thực hiện công việc theo sự chú ý của họ, vì vậy họ thường có trách nhiệm và được trao quyền nhiều hơn. Mỗi cá nhân có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không gặp trở ngại miễn là mang lại lợi ích tốt nhất cho cả nhóm và doanh nghiệp. Điều này giúp mức độ gắn kết của các nhân viên trở nên cao hơn.
Tiếp theo, các quyết định sẽ được đưa ra nhanh chóng và hiệu quả hơn do quyền lực được phân chia đồng đều, mỗi cá nhân có thể tự mình hành động mà không cần chờ đợi sự phê chuẩn hoặc quyết định từ cấp trên.
Cuối cùng, phương pháp Holacracy tạo khả năng thích ứng cao với kế hoạch. Các nhóm có thể đánh giá lại mục tiêu và các vòng tròn để chuyển sang mục tiêu mới hoặc giải thể hoàn toàn. Điều này cho phép doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục các sai sót nghiêm trọng trong khi vẫn giữ được sự liên tục.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, phương pháp tự quản Holacracy cũng có một số nhược điểm như sau:
- Việc chuyển đổi từ hệ thống cấp bậc sang kiểu cấu trúc dòng có thể là một thách thức. Đào tạo toàn diện là điều cần thiết và một doanh nghiệp cần phải thuê các chuyên gia để hướng dẫn quá trình chuyển đổi cũng như thực hiện.
- Trên thực tế, những nhân viên phù hợp với cấu trúc này cần phải có tư duy độc lập và khả năng tự quản lý tốt. Tuy nhiên, điều này không phải ai cũng có thể đáp ứng và sẵn sàng thích nghi để sử dụng một hệ thống làm việc mới.
Lợi ích của phương pháp tự quản Holacracy đối với doanh nghiệp
Có thể nói rằng, phương pháp tự quản Holacracy mang lại khá nhiều lợi ích đối với các doanh nghiệp, cụ thể:
- Thay đổi quyền lực cơ bản của doanh nghiệp: Phương pháp này đặt ra các quy tắc chung mà tất cả mọi người phải tuân thủ và thực hiện theo. Những quy tắc này cung cấp một bộ khung để bạn có thể tùy chỉnh các quy trình cụ thể mà bạn cần áp dụng để đạt được lợi ích cho doanh nghiệp.
- Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân trong doanh nghiệp. Việc này giúp tạo ra sự rõ ràng về trách nhiệm của từng người cho mỗi công việc cụ thể.
- Thay vì phải thực hiện quá trình tái tổ chức hàng năm, phương pháp tự quản Holacracy cho phép các doanh nghiệp thay đổi cấu trúc của công ty ngay khi cảm thấy cần cải thiện. Kết quả là doanh nghiệp có thể liên tục phát triển và thích ứng với môi trường của mình.
- Đảm bảo sự tự chủ tuyệt đối và đảm bảo phù hợp với mục tiêu của tổ chức.
Ví dụ về doanh nghiệp sử dụng phương pháp Holacracy
Bởi những lợi ích to lớn mà Holacracy mang lại, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới áp dụng phương pháp này theo một số hình thức khác nhau. Điển hình là công ty Zappos.
Zappos.com là một công ty bán lẻ trực tuyến với hơn 1.500 nhân viên, chuyên kinh doanh các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách và phụ kiện.
Theo Zappos, phương pháp tự quản Holacracy cho phép nhân viên của họ có thể nhanh chóng đưa ra quyết định và đáp ứng phản hồi từ khách hàng nhanh chóng. Mọi người không cần phải chờ đợi sự quyết định từ cấp quản lý mà có thể tự thực hiện các hành động phù hợp để giải quyết yêu cầu của khách hàng ngay lập tức.
Có thể thấy rằng, phương pháp tự quản Holacracy đang mở ra một cách tiếp cận mới trong quản lý tổ chức, gợi mở về sự phân quyền và khả năng sáng tạo, từ đó giúp doanh nghiệp đạt được thành công bền vững trong thời đại công nghệ nhanh chóng tiến bộ ngày nay. Thông qua bài viết trên, Webketoan hy vọng đã có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp tự quản Holacracy là gì và những cách thức hoạt động mà phương pháp này tạo ra để tạo nên sự thay đổi đáng kể trong tổ chức.
Tham khảo: www.holacracy.org, investopedia.com