Ngày 23/4/2012, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 780 cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với những doanh nghiệp khó trả nợ nhưng sản xuất kinh doanh có chiều hướng tích cực, nhóm nợ vẫn được giữ nguyên như đã phân loại trước đó.
Nếu không có quyết định này, một bộ phận doanh nghiệp sẽ có nợ quá hạn, đương nhiên ngân hàng phải chuyển nhóm và nợ xấu sẽ càng tăng cao. Quyết định 780 ra đời, mang sứ mệnh giải cứu. Cả ngân hàng và doanh nghiệp có thêm cơ hội, đúng hơn là thời gian, để có thể xoay chuyển tình hình.
Tại thời điểm đó, một lãnh đạo ngân hàng thương mại nói rằng: “Nếu không có các biện pháp phụ trợ, kinh tế vĩ mô không chuyển biến, thì đó cũng chỉ là một kế hoãn binh, đẩy cái chết cho tương lai mà thôi”.
Trở lại với câu chuyện với nguyên tổng giám đốc ngân hàng nói trên, điều ông quan ngại là chu kỳ giãn nợ đã và đang khép lại. Phần lớn các khoản vay của doanh nghiệp là ngắn hạn, thường tối đa là một năm. Quyết định 780 đã có hiệu lực gần một năm, tức nhiều khoản đã và đang đến kỳ đáo hạn sau khi giãn. Liệu sau khi được giãn, tỷ lệ trả được nợ đúng hạn là bao nhiêu, hay mức độ không thể tái sinh một lần nữa như thế nào?
Câu hỏi trên cũng là một phần trả lời vì sao tỷ lệ nợ xấu hay lượng trích lập dự phòng của nhiều nhà băng mới thực sự đội lên trong quý 4/2012. Mức độ giải cứu của Quyết định 780 theo VnEconomy tìm hiểu tại một số nhà băng riêng lẻ là không cao, ở khoảng 30 – 40% số nợ được giãn; còn một tỷ lệ tham khảo chính thức từ Ngân hàng Nhà nước hiện chưa được công bố.
“Những trường hợp không nắm được cơ hội từ 780, vẫn không trả được nợ thì phải chấp nhận thương đau thôi. Ngân hàng phải ghi nhận thêm nợ xấu, phải tăng dự phòng và giảm lợi nhuận. Điều đó là rõ ràng”, tổng giám đốc một ngân hàng trả lời khi VnEconomy tham vấn.
Song, ông nhấn mạnh rằng, Quyết định 780 là một giải pháp tốt, nhiều giá trị cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là một phản ứng nhanh của Ngân hàng Nhà nước, ngay khi nợ xấu bắt đầu thể hiện xu hướng tăng mạnh.
Giá trị của chính sách cũng nhanh chóng lan tỏa sau khi ban hành. Sau khoảng sáu tháng, từ tháng 4 – 10/2012, đã có 250 nghìn tỷ đồng “nợ nguy cơ” được cơ cấu lại; đồng nghĩa với hàng nghìn doanh nghiệp thoát án phạt lãi suất quá hạn 150%, các ngân hàng bớt đóng băng một lượng vốn lớn trong bối cảnh khó khăn… Và quan trọng nhất là nó giúp tránh được tình huống nợ xấu dâng cao đột ngột trong năm 2012.
Nhưng đến nay, vấn đề đặt ra là trong quá trình Quyết định 780 thực hiện sứ mệnh của mình, đã gần một năm trôi qua mà vẫn chưa có những hành động mới, có sức nặng để tạo giá trị cộng hưởng với nó trong xử lý nợ xấu.
Nếu xem Quyết định 780 là một kế hoãn binh, thì dường như cơ hội về thời gian mà nó tạo ra đã không được tranh thủ tối đa. Ngay như giải pháp mạnh là Ngân hàng Nhà nước lập công quản lý tài sản để mua lại nợ xấu, quá nửa năm vẫn chưa thể làm. Thêm một bình nước có thể dập tắt lửa, nhưng chưa thêm được thì ngọn lửa vẫn còn đó, thậm chí có thể bùng trở lại.
Quyết định 780 không đề ngày hết hiệu lực. Nhưng không lẽ cứ tiếp tục gửi nợ xấu cho tương lai như vậy mãi, để rồi một ngày nào đó nó ùa về?
Có lẽ, “sứ mệnh 780” sẽ sớm được chuyển tiếp bằng vai trò của công ty quản lý tài sản mà Thủ tướng Chính phủ vừa thúc Ngân hàng Nhà nước trình đề án. Với lộ trình gợi mở từ chỉ đạo của Thủ tướng cuối tuần qua, việc xử lý nợ xấu có thể sớm có thêm công cụ đủ mạnh.
Như một số thông tin đề cập thời gian qua, công ty quản lý tài sản ra đời sẽ có quy mô khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Thay vì dùng tiền ngân sách, công ty này sẽ sử dụng công cụ trái phiếu để mua lại một phần đáng kể nợ xấu của các ngân hàng. Các ngân hàng dùng nguồn trái phiếu đó để tham gia thị trường mở, hoặc thế chấp mượn vốn qua các kênh khác. Một lượng vốn tương ứng đang kẹt trong nợ xấu có cơ hội tái tạo…
Tất nhiên, các ngân hàng thương mại cũng phải tự thân xử lý. Tính đến cuối tháng 11/2012, cả hệ thống cũng đã trích lập dự phòng và chưa sử dụng đến 78,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 58,31% nợ xấu tại thời điểm đó); và ước khoảng 45 nghìn tỷ đồng cũng đã được họ tự xử lý.
(Theo VnEconomy)
|