Ngày 01 tháng 03 năm 2013, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội ban hành Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó:
( Ảnh minh họa).
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH như sau:
Người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:
Người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
+ Người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
+ Người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 và Khoản 7 Điều 3 như sau:
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, được hướng dẫn thực hiện như sau:
+ Hết thời hạn hưởng theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
+ Có việc làm.
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngày mà người lao động được xác định thực hiện nghĩa vụ quân sự là ngày người lao động nhập ngũ.
+ Được hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngày mà người lao động được xác định nghỉ hưu là ngày bắt đầu tính hưởng lương hưu được ghi trong Quyết định hưởng lương hưu hằng tháng.
+ Sau hai lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng.
+ Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ba tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định.
+ Ra nước ngoài để định cư. Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư là ngày xóa đăng ký thường trú của người lao động theo quy định của pháp luật về cư trú.
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh (kể cả trường hợp đi cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện) hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo. Ngày mà người lao động được xác định chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là ngày bắt đầu thực hiện biện pháp xử lý hành chính được ghi trong quyết định.
+ Bị chết.
Quy định ngày mà người lao động được xác định là có việc làm: Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật; đối với trường hợp người có quyết định tuyển dụng (đối với những trường hợpkhông thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc) thìngày có việc làm được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng; chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp thì đối với ngành nghề kinh doanh không điều kiện ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đối với ngành nghề chỉ kinh doanh các ngành nghề có điều kiện ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày đáp ứng đủ các điều kiện để hoạt động kinh doanh.
Riêng đối với người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự thì ngày mà người lao động được xác định thực hiện nghĩa vụ quân sự là ngày người lao động nhập ngũ.
Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp. Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời hạn 3 tháng nêu trên được tính theo tháng dương lịch và được tính từ ngày người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đến ngày đó của 3 tháng sau. Nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
Ngoài ra, thông tư còn nêu rõ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thời hiệu đăng kí hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trình tự, thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề; trách nhiệm của BHXH, trách nhiệm của người sử dụng lao động…..
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.