Ngày 4/4, Chính phủ ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3, trong đó nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như kinh tế quý I đạt tốc độ tăng trưởng 4,89%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước, lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; xuất khẩu tăng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất tăng trở lại.
Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lãi suất cao, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; số DN ngừng hoạt động, phá sản tăng, sản xuất nông nghiệp khó khăn do hạn hạn và thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh; sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, hàng tồn kho lớn; giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho DN phục hồi sản xuất, phát triển nền kinh tế còn chậm.
Vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương khắc phục vướng mức, khó khăn, thách thức, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm cấp bách phục hồi nền kinh tế. Theo đó, yêu cầu NHNN điều hành lãi suất giảm ngay trong đầu tháng 4, tăng cường việc kiểm tra triển khai thực hiện tại các ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn, để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế; đẩy mạnh ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, cần phối hợp với Bộ Xây dựng nhanh chóng hướng dẫn, triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp, tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt giá trị đồng tiền Việt Nam. Đi liền với đó, cần khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài định cư tại Việt Nam.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi từ nguồn dự phòng ngân sách; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đánh giá và cân đối việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2013, trên cơ sở đó tính toán phương án tiếp tục giảm thuế TNDN về mức 20% và phương án giảm thuế GTGT để báo cáo Chính phủ trong tháng 4. Các bộ Tài chính, Công thương, Y tế cần điều hành lộ trình điều chỉnh giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế phù hợp, không dồn vào một thời điểm, nhằm tránh gây tác động tăng giá đột biến.
Các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn từ NSNN, trái phiếu chính phủ, vốn ODA. Trên cơ sở đó, căn cứ vào kết quả triển khai và nhu cầu thực tế để xem xét việc ứng vốn trái phiếu chính phủ nằm trong kế hoạch năm 2014-2015 đối với các dự án cấp thiết, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và nằm trong khả năng cân đối nguồn vốn đã giao. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, mở rộng các dự án đang hoạt động hiệu quả.
Việt Tuấn
Nguồn TCT Online