Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ về mức giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 22% nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy đầu tư, tái đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cho rằng, dự thảo quy định giai đoạn 2014 – 2015, áp dụng thuế suất phổ thông chúng ta giảm từ 25% xuống 22% là hợp lý.
“Tôi cho rằng nếu giảm nữa thì khó khăn cho ngân sách. Tôi đồng tình lộ trình giảm từ 25% xuống 22%. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tổng doanh thu không quá 20.000 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động thì áp dụng thuế suất là 20%. Một số trường hợp thuế suất 32 – 50% giao cho Chính phủ chi tiết hướng dẫn. Những trường hợp thuộc áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014 – 2015 bị chuyển sang áp dụng thuế suất 20%. Kể từ ngày 1-1-2016 tôi cơ bản đồng tình. Nội trình giảm thuế suất phù hợp với chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn hoạt động sản xuất nâng cao tính cạnh tranh. Đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ quan điểm.
Cũng đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, theo đại biểu Phùng Đức Tiến – Hà Nam, với xu thế chung của các nước trong khu vực giảm thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu và được dự báo còn nhiều khó khăn. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đình trệ, sức mua thị trường thấp, giá trị tồn kho lớn, tăng trưởng tín dụng thấp thì việc xem xét giảm thuế là hết sức cần thiết và phù hợp với chiến lược cải cách thuế cũng như xu thế cải cách thuế của các nước. Trên cơ sở đó, việc giảm thuế suất cũng vừa đảm bảo được tính cạnh tranh hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam so với các nước trong khu vực, vừa không gây tác động giảm thu ngân sách quá đột ngột.
Cũng bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Bình – TP Hải Phòng nói: “Việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất kinh doanh đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu có lộ trình giảm thuế cụ thể ngay trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không ngần ngại mở rộng sản xuất kinh doanh, ngần ngại tái đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh. Thực tiễn cho thấy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông từ 28% xuống 25% không gây giảm thu ngân sách mà ngược lại giúp ngân sách nhà nước tăng thu liên tục từ năm 2009. Nguồn thu có thể giảm trước mắt nhưng sẽ nuôi dưỡng được nguồn thu trong lâu dài. Mặt khác nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% vẫn là một giải pháp tuần tự”. Tuy nhiên, theo đại biểu này nếu giảm xuống còn 20% trong tình huống được coi là khẩn cấp hiện nay là thích hợp.
Nhấn mạnh ích lợi của việc giảm thuế, đại biểu cho rằng, để các doanh nghiệp đang có thu nhập hiện nay sẽ có động lực để tìm cho mình hướng đi mới. Việc giảm thuế là một chính sách đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó đòi hỏi Chính phủ có những giải pháp cụ thể để giải quyết hàng tồn kho, giảm lãi suất tìm thị trường xuất khẩu, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ. Để doanh nghiệp có nguồn vốn tái đầu tư, sản xuất kinh doanh tiêu thụ các loại hàng hóa trên thị trường kéo theo đó là việc giải phóng hàng hóa cho các doanh nghiệp khác…
Ảnh minh họa: MT
Bên cạnh đó, nội dung về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới… cũng nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang cơ bản tán thành việc nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15%, tuy nhiên đại biểu đề nghị: Cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế; quy định mức khống chế được trừ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo để tránh sự phức tạp trong tính toán, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; và bổ sung quy định về tỷ lệ khống chế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù, các mặt hàng độc quyền, không cần phải chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị như điện, xăng dầu, kinh doanh nước sạch.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cũng đồng tình việc nâng từ 10% lên 15%, tuy nhiên, trường hợp nếu quy định 15% với doanh nghiệp lớn thì phù hợp. Nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập nếu chúng ta khống chế 15% tôi cho rằng chi phí này không đầy đủ. Đại biểu đề nghị sửa theo hướng theo tỷ lệ % mà chúng ta sản xuất kinh doanh, % theo doanh thu, tính tỷ lệ % thì hợp lý hơn.
Đại biểu Mai Hữu Tín – Bình Dương lại đồng tình với các điểm mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp cũng như ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng. “Chúng ta cần có rất nhiều đầu tư nữa mới có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển như mong ước. Những thay đổi này sẽ giúp môi trường đầu tư của chúng ta thuận lợi hơn và tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong lúc công tác thu hút đầu tư đang ngày càng cạnh tranh hơn rất nhiều trong khu vực và rất mong các vị đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ sự thay đổi này”, đại biểu nhấn mạnh.
Nguồn CTTĐT BTC