“Tháng tới sẽ đề xuất Chính phủ nâng room cho khối ngoại”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 07/06/2013 - 4225 lượt xem.

Thông tin này vừa được ông Vũ Bằng đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg…

Ngoai_DC-a668a-07514

 Tính đến ngày 5/6, khối ngoại đã mua ròng 244 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam – Ảnh minh họa.

Tháng tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) sẽ đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ sở hữu tối đa (thường gọi là “room”) cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Thông tin này vừa được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg.

Hiện tại, “room” của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam là 49% (trừ doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm, ngân hàng). Dự kiến, nếu đề xuất tăng được thông qua, thì tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng lên trên mức này.

Trao đổi với Bloomberg, ông Vũ Bằng cho hay, Bộ Tài chính sẽ đề xuất kế hoạch nói trên lên Chính phủ vào tháng tới để Chính phủ xem xét và quyết định. Đây là kế hoạch được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng soạn thảo.

Theo đánh giá của Bloomberg, các nhà chức trách Việt Nam xem vốn ngoại là một trong những chìa khóa cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam được khối ngoại mua ròng mạnh nhất kể từ năm 2008, theo đó đưa VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, so với các thị trường khác trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 44,6 tỷ USD, so với mức vốn hóa 621,4 tỷ USD của thị trường lớn nhất khu vực là Singapore, theo số liệu của Bloomberg. Trên sàn Tp.HCM, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày vào khoảng 51 triệu USD, so với mức 1,34 tỷ USD tại thị trường Singapore.

“Nếu có một cú đột phá về vốn đầu tư nước ngoài, thì ảnh hưởng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ là tích cực”, ông Bằng nói với Bloomberg về kế hoạch nâng “room”. “Trong mấy năm trước, đã có những đề xuất nhưng mới chỉ ở mức thấp. Bây giờ chúng tôi đã có những cuộc bàn thảo chính thức và đã tham vấn các cơ quan hữu quan”.

Theo ông Bằng, đề xuất nâng “room” cho khối ngoại sẽ bao gồm việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần không có quyền tham gia biểu quyết để tăng tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại có thể được tăng theo từng nhóm ngành nhất định hoặc có thể được chấp thuận theo từng trường hợp cụ thể.

Ông Bằng cũng cho hay, việc thay đổi tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ và chưa có một khung thời gian cụ thể nào được đưa ra. Theo dự kiến, Chính phủ sẽ tham vấn các cơ quan hữu quan trước khi ra quyết định cuối cùng.

Từ đầu năm đến hết ngày hôm qua (5/6), chỉ số VN-Index tăng 24%, mạnh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tăng mạnh thứ nhì trong khu vực là chỉ số Jakarta Composite Index của thị trường Indonesia với mức tăng 16%.

“Các kỳ vọng đang ở mức cao”, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ Dragon Capital, nhận xét. “Chúng tôi cần biết đích xác điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn thị trường sẽ có cơ hội được hưởng những hiệu ứng tích cực”.

Tính đến ngày 5/6, khối ngoại đã mua ròng 244 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm 2012 tới nay, VN-Index đã tăng 46%, một phần nhờ Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất 8 lần và Chính phủ thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ xấu.

Theo đánh giá của ông Bằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm ấn tượng nhờ Chính phủ thành công trong việc kiềm chế lạm phát, lãi suất hạ và dự trữ ngoại hối tăng. Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng, sự phục hồi của thị trường là “chưa thực sự bền vững” vì các công ty niêm yết vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Bằng lưu ý, 1/5 số công ty niêm yết có thể báo lỗ trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo ông Bằng, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi các kết quả từ kế hoạch giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Số liệu mà ông Bằng đưa ra cho thấy, số công ty huy động được vốn từ thị trường chứng khoán trong 5 tháng đầu năm đã giảm 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Khi các công ty có thể tiếp cận dễ dàng hơn với vốn ngân hàng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ tiến triển khả quan hơn”, ông Bằng nói. “Sự ổn định của thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ trở lại”.

Trong cuộc trao đổi với Bloomberg, ông Bằng còn tiết lộ, năm nay, Ủy ban Chứng khoán sẽ đề xuất sáp nhập hai sàn Hà Nội và Tp.HCM trước cuối năm. Kế hoạch sáp nhập này đã được đưa ra vào tháng 3 năm ngoái và mục tiêu ban đầu là đưa ra đề xuất sáp nhập trong quý 3/2012.

Nhằm thu hút thêm nhà đầu tư, hai sàn cũng lên kế hoạch sẽ bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới như chứng quyền, theo ông Bằng. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng dự kiến sẽ đưa ra một kế hoạch cho các sản phẩm phái sinh trước cuối năm nay.

 

AN HUY

Nguồn VnEnconomy