Bộ Tài chính: Trình phương án xử lý nợ xấu DNNN trong năm 2013

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 07/06/2013 - 3575 lượt xem.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa mới được phê duyệt.

Theo đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5 thành phần chủ lực, cùng với chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại. Các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ được phân công cụ thể như sau:

Bộ Tài chính: Trình phương án xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngay trong năm 2013.

Theo Đề án, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách miễn, giảm thuế liên quan đến mua, bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phối hợp với NHNN và các bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013 cơ chế và phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nợ xấu cho vay đối tượng chính sách, nợ xấu của DNNN.

Bộ Tài chính cũng phải xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của các đối tượng trên 

Ngoài ra, cũng trong năm 2013, Bộ Tài chính phải phối hợp cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ phương án xử lý nợ xấu của DNNN theo Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tập là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.

NHNN: Thanh tra toàn diện ngân hàng không chịu bán nợ xấu.

NHNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, thành lập và phê duyệt điều lệ công ty VAMC.

Đối với các tổ chức tín dụng cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu, NHNN được thực hiện một số giải pháp như: Tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo các nội dung do NHNN yêu cầu. Hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động. Hạn chế, đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng. Hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản.

Áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định. Yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn. Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng…

Bộ Xây dựng: Sửa đổi quy định về thị trường bất động sản.

Đề án giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý đô thị, đầu tư, xây dựng, thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, VAMC để xử ly nhanh nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp: Sửa Luật Doanh nghiệp, ban hành thông tư xử lý tài sản đảm bảo

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ biện pháp đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu công để phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, rà soát, bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện xử lý nợ xấu.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành trong năm 2013 Thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo để tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài 5 bộ, ngành, các địa phương cũng được giao nhiệm vụ phải phối hợp trong công tác xử lý nợ xấu.

Riêng các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đơn vị này phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về xử lý nợ xấu. Xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiềm chế nợ xấu gia tăng.

Untitled

 

Nguồn CTTĐT BTC