Từ ngày 1.7, luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, chính thức nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng và cho một người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng.
Ngay trong tuần này Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định hướng dẫn.
Người nộp thuế sẽ được giảm bớt gánh nặng trong điều kiện khó khăn hiện nay – Ảnh: Ngọc Thắng |
Trên 9 triệu đồng/người/ tháng mới phải nộp thuế
Trao đổi với Thanh Niên chiều 25.6, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Văn Phụng cho biết mọi công việc chuẩn bị để triển khai luật thuế mới đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, ngay trong tuần này Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định thông tư hướng dẫn và sau đó Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn.
Về cơ bản, luật mới chỉ sửa 6 trên 35 điều nhưng lại là những điểm then chốt, quan trọng. Thứ nhất, giảm mức đóng góp thuế thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng/người/tháng. “Với mức giảm trừ này thì một cá nhân có 1 người phụ thuộc, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 220.000 đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp”, ông Phụng giải thích. Bên cạnh đó, nếu trước kia thu nhập bình quân để xác định người phụ thuộc ở mức 500.000 đồng/tháng, thì nay được nâng lên 1 triệu đồng/tháng.
Cũng liên quan đến người phụ thuộc, lần đầu tiên Tổng cục Thuế sẽ cấp mã số thuế (MST) cho đối tượng này. Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN) – Tổng cục Thuế, cho biết Tổng cục Thuế sẽ cấp MST tự động cho người phụ thuộc kể từ ngày 1.7.2013 dựa trên thông tin đăng ký GTGC của người nộp thuế.
Người nộp thuế chỉ phải đăng ký giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc 1 lần trong suốt thời gian tính GTGC và chỉ đăng ký lại khi có sự thay đổi về người phụ thuộc và thay đổi nơi làm việc. Theo bà Lan, với những trường hợp nào không đăng ký MST mới cho người phụ thuộc từ 1.7 sẽ không được GTGT, riêng các trường hợp đã đăng ký từ trước khi luật mới có hiệu lực thì được tiếp tục tính GTGC cho đến khi được cơ quan thuế cấp MST.
Nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp được miễn thuế
Theo thông tin mới nhất do ông Phụng cho biết, tại nghị định mới sắp được ban hành sẽ hướng dẫn chi tiết một loạt khoản phụ cấp, trợ cấp mang tính chất đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, bù đắp sẽ được loại ra khi tính thu nhập chịu thuế. Cụ thể, đó là trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về người có công, đối tượng tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; phụ cấp quốc phòng an ninh; phụ cấp độc hại nguy hiểm; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi…
Bên cạnh đó, để khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ hưu trí tự nguyện, nghị định cho phép cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mức đóng tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm). Đồng thời, miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ quỹ này chi trả hằng tháng. “Với mức này người nộp thuế không có người phụ thuộc nếu tham gia đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ được GTGC lên đến 10 triệu đồng/tháng. Đối với người nộp thuế có người phụ thuộc thì mức giảm trừ, tức số tiền được trừ ra không phải tính thuế sẽ còn cao hơn”, ông Phụng giải thích thêm.
Để tránh trường hợp các cá nhân vô hình trung vi phạm pháp luật vì không khai quyết toán thuế do không muốn hoàn thuế (vì số tiền quá nhỏ chẳng hạn), nghị định sửa theo hướng, trong các trường hợp: cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp hằng quý mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc trừ thuế vào kỳ sau; cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương phát sinh thường xuyên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng/tháng đã được đơn vị chi trả khấu trừ thuế tại nguồn nếu không có nhu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Anh Vũ
Nguồn báo TN Online