Rối theo tỷ giá, lòng tham đầu cơ trỗi dậy

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 10/07/2013 - 5213 lượt xem.

Những biểu hiện tỷ giá ngân hàng tăng kích trần, USD chợ đen tăng mạch, tình trạng hai tỷ giá… của một thời thị trường ngoại hối biến động đang xuất hiện. Trong hoàn cảnh này, nếu không vững tin nhiều người sẽ gánh chịu rủi ro lớn.

Giá nhảy, NH ăn đủ

Tại các ngân hàng thương mại, sáng ngày 9/7 giá USD bán ra được niêm yết ở mức kịch trần là 21.246VND/USD. Còn trên thị trường tự do giá bán ra đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều, vượt qua ngưỡng mức 21.700VND/USD và đang tiến sát đến 21.900VND/USD. Thậm chí, có thời điểm giá đã chạm mốc 22.000 đồng/USD.

Không những thế, tình trạng 2 tỷ giá cũng đang xuất hiện tại một số ngân hàng thương mại. Không ít DN có nhu cầu về USD đã phàn nàn, từ hơn 2 tháng nay họ phải mua USD với giá thỏa thuận.

Tuy nhiên sau ngày Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 1% thì giá bán USD tăng cao hơn. Các ngân hàng bán vượt trần mà không lo sợ bị phát hiện vì họ tính giá vượt trần vào phí. Phí chuyển tiền ra nước ngoài, phíchuyển đổi ngoại tệ… lúc trước các loại phí này thấp chỉ khoảng 200 USD/lần, nhưng sau khi tỷ giá tăng, USD khan hiếm thì ngay lập tức đã tăng lên tới cả ngàn USD/lần tùy theo mua nhiều hay ít.

tygia_1373368519

Những diễn biến trên đây đã khiến cho không ít DN, ngân hàng và người có USD không vội bán ra, găm giữ, chờ đợi giá lên khiến cho nguồn cung khan hiếm. Đã có những cảnh báo về tâm lý đầu cơ USD được đưa ra. Ở chiều ngược lại, nó kích thích những khách hàng, DN, ngân hàng có nhu cầu về USD chưa đến hạn, tăng mua vào, làm tăng cầu.

Trong khi nguồn cung trở nên khan hiếm thì cầu lại tăng, điều này đẩy giá USD tăng lên và gây căng thẳng trong quan hệ cung cầu.

Hơn nữa, vào thời điểm này nhu cầu về USD đang cao do người dân đi du lịch ra nước ngoài nhiều cần mua USD, các gia đình có con em đi du học cũng cần USD cho năm học mới sắp bắt đầu và nhiều nhà đầu tư trước kia đã chuyển USD vào Việt Nam đổi ra VND gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao, nay lãi suất huy động giảm mạnh, thấy không còn hấp dẫn, hoặc đến kỳ thanh toán, đã rút tiền đồng chuyển sang mua USD trả nợ…

Những thực tế này, cộng hưởng với động thái điều chỉnh tỷ giá đã khiến cho nhiều lời đồn thồi, gây dư luận, tạo ra diễn biến tâm lý bất lợi cho thị trường ngoại hối, góp phần làm cho giá USD biến động mạnh trong khoảng 10 ngày qua.

Trong khi đó, với những diễn biến mới đây, việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND 6 tháng cuối năm là một khó khăn lớn, bởi nhu cầu về USD những tháng cuối năm thường cao hơn. Không những thế, nền kinh tế đã chuyển sang trạng thái nhập siêu, 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,4 tỉ USD, dự kiến cả năm 2013 có thể nhập siêu lên đến 9 tỉ USD.

Kiểm soát chặt đầu cơ

Thông tin mới nhất, Chính phủ đã Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tỷ giá

, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát, theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối để điều hành tỷ giá phù hợp; thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng…

Trong khi đó, theo phản ánh từ các ngành hàng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đều cho thấy, cung cầu USD không khan như thực tế. Còn hầu hết các ngân hàng vẫn cho biết cung – cầu đôla “rất bình thường” và ngân hàng hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của những doanh nghiệp nhập khẩu. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng, các ngân hàng trên địa bàn hiện vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, và dự báo trong 2013 cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 4-5 tỉ USD. Rõ ràng, nhìn vào các con số trên có thể thấy NHNN vẫn có thể đảm bảo ổn định cân đối được cung – cầu ngoại tệ.

USDDuyCuong-3e1b3_1373368534

 

Với thực tế này, câu chuyện còn lại chỉ là vấn đề tâm lý và đầu cơ. PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, Xét về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn cân bằng. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành điều tra xem có hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các ngân hàng, tổng công ty, doanh nghiệp hay không.

Theo ông Ngân, Ngân hàng Nhà nước hiện đủ lực và khả năng để can thiệp thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 1,4 tỷ USD, nhưng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đến 5,7 tỷ USD và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên cả nước ước đạt 2,2 tỷ USD và còn một nguồn kiều hối nữa. Như vậy, ngoại tệ vẫn dư dả, chứ không thiếu hụt.

Ngân hàng Nhà nước nên điều tra, giám sát xem có hiện tượng găm giữ ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, để kiểm soát tỷ giá chỉ có cách là tăng kiểm soát việc hình thành 2 tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, cũng như trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng để tránh hiện tượng đầu cơ găm giữ.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cam kết tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 3%.Hiện tại tỷ giá mới điều chỉnh 1%, vẫn còn dư địa, có thể điều chỉnh thêm 1% nữa để tránh căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh tăng tiếp 1% thì giá USD trần tại các ngân hàng sẽ lên tới 21.458 đồng. Như vậy USD trên thị trường tự do có thể lên tới 22.500 đồng, điều này sẽ gây ra nhiều tác động. Điều chỉnh tỷ giá chắc chắn lạm phát sẽ tăng vì nền kinh tế nước ta có tỷ lệ nhập khẩu trên GDP rất cao, có năm lên đến 90% GDP.

Mặt khác, nó còn gây ra nhiều bất lợi tài khóa, tiền tệ và tác động tâm lý khi nhiều người chuyển sang găm giữ USD, điều này lại dồn áp lực lên tỷ giá.

Tác giả: TRẦN THỦY

Nguồn vef.vn