Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế truy thu tính đến hết tháng 8/2012 đạt gần 17.150 tỷ đồng, chưa bằng một nửa số nợ đọng của doanh nghiệp năm 2011.
> Doanh nghiệp nợ thuế gần 20.000 tỷ đồng
> Doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế gần 300 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa gửi tới Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 2, trong đó đề cập đến các vấn đề như quản lý thuế, nợ công, giá cả, giảm bội chi, tái cơ cấu thị trường chứng khoán – bảo hiểm, doanh nghiệp Nhà nước…
Doanh nghiệp hiện vẫn nợ thuế khoảng 20.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Bộ cho biết sau 9 tháng đầu năm 2012, ngành thuế đã kiểm tra hơn 35.000 doanh nghiệp, truy thu, phạt và truy hoàn hơn 6.500 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tình hình chuyển giá hòng trốn thuế tại các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng cao. Qua kiểm tra tại gần 1.200 doanh nghiệp có dấu hiệu, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý gần 395 tỷ đồng các khoản truy thu, phạt liên quan đến vấn đề này, cao hơn con số 370 tỷ của cả năm 2011.
Trong năm 2011, ngành thuế đã kiểm tra, đôn đốc nợ tại 56 đơn vị thuộc khối ngân hàng và 88 doanh nghiệp thuộc khối tập đoàn – tổng công ty Nhà nước, qua đó truy thu và phạt tổng cộng hơn 680 tỷ đồng, đôn đốc nộp ngân sách gần 2.000 tỷ đồng tiền nợ đọng. Theo tổng kết của Bộ Tài chính, tính đến 31/8, toàn ngành đã thu hồi gần 17.150 tỷ đồng, chiếm khoảng 48,6% tổng nợ thuế của năm 2011.
Trong buổi họp báo của Bộ diễn ra giữa tháng 10, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – Trần Văn Phu cho biết tổng nợ đọng thuế còn lại của các doanh nghiệp ước khoảng 20.000 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp khó khăn, chây ì để chiếm dụng vốn của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Quản lý thuế đang được Quốc hội xem xét dự kiến sẽ nâng mức phạt từ 0,05% một ngày hiện nay lên 0,07% (đối với các khoản quá hạn trên 90 ngày).
Trong nửa đầu năm 2012, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 17 dự án xi măng vay vốn trong và ngoài nước được Chính phủ bảo lãnh và báo cáo Thủ tướng. Bộ cũng có đề xuất về cơ chế riêng cho lĩnh vực xi măng, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ chủ quản và chủ đầu tư. |
Về quản lý nợ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết năm 2012, nợ công của Việt Nam bằng 55,4% GDP, trong đó nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% GDP (chủ yếu là nợ trái phiếu và ODA). Trong giai đoạn 2011 – 2020, trần khống chế nợ công dự kiến không quá 65% GDP và cơ quan quản lý cho biết đang thực hiện nhiều biện pháp để huy động và sử dụng nợ hiệu quả.
Về bội chi, cơ quan quản lý cho biết dự kiến năm 2012 là 4,8%. Do cân đối ngân sách 2013 khó khăn, Bộ Tài chính và Chính phủ để xuất tiếp tục giữ mức này trong năm 2013 nhưng sẽ phấn đấu giảm dần về 4,5% vào năm 2015, theo đúng định hướng.
Tại báo cáo của mình, Bộ Tài chính cũng đề cập đến vấn đề quản lý giá, trong đó các mặt hàng cơ bản, quan trọng như điện, than, xăng dầu được kiên trì theo định hướng tiến dần tới giá thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch. Báo cáo cũng cho biết ngành tài chính cũng đang tiến hành các giải pháp tái cơ cấu thị trưởng ngân hàng – bảo hiểm, doanh nghiệp Nhà nước theo đúng lộ trình đề ra.
Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
* Theo Nghị quyết 13 của Chính phủ
– Gia hạn 11.124 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng 4, 5 và 6/2012 cho gần 190.000 doanh nghiệp.
– Gia hạn 3.327 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho 77.295 doanh nghiệp.
– Gia hạn tiền sử dụng đất cho 346 doanh nghiệp với tổng số tiền 2.778 tỷ đồng.
– Giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 3.609 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 445,2 tỷ đồng. Miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 44.897 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền 12,4 tỷ đồng.
*Theo Nghị quyết 29 của Quốc hội: Giảm tổng cộng 6.488 tỷ đồng (năm 2012 giảm 4.150 tỷ và năm 2013 giảm 2.338 tỷ). Cụ thể:
– Giảm 5.144 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2012 giảm 3.060 tỷ và năm 2013 giảm 2.084 tỷ).
– Giảm 39 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (năm 2012 giảm 36 tỷ và năm 2013 giảm 3 tỷ).
– Giảm 1.305 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (năm 2012 giảm 1.054 tỷ và năm 2013 giảm 251 tỷ).
|
Nhật Minh