Giữ lợi ích, biết trước sẽ bị đuổi, chính sách bất cập là 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp niêm yết muốn rời sàn.
Từ ngày 5/10, sau sự kiện cổ đông Công ty cổ phần Gò Đàng (mã AGD, mã HOSE) quyết định hủy niêm yết, hàng loạt thông tin nhận định, hiện tượng tự nguyện hủy niêm yết đã trở thành một làn sóng và sẽ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2013, nhất là sau mùa đại hội cổ đông thường niên.
Tuy nhiên, từ những nguyên nhân cho thấy, không hề có làn sóng tự rời sàn, thay vào đó là một cuộc thanh lọc hàng kém chất lượng đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Ngày 8/10, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 5/10 của Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) đã thông qua hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE và ủy quyền cho hội đồng quản trị có phương án mua lại toàn bộ số cổ phần của cổ đông nhỏ với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá đóng cửa phiên ngày 8/10 là 46.000 đồng/cổ phiếu.
Đại hội cũng thông qua việc phát hành 6-9 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông chiến lược với giá không thấp hơn 55.000 đồng/cổ phiếu. Quyết định rời sàn của AGD khá bất ngờ đối với không ít nhà đầu tư.
AGD là công ty xuất khẩu thủy sản có uy tín, nhất là các sản phẩm cá tra, nghêu và mực. Suốt từ năm 2008 đến nay, lãi ròng của AGD liên tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu hợp nhất của AGD vẫn gần 438 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng giảm 21%, đạt gần 58 tỷ đồng.
Nguyên nhân rời sàn vẫn chưa được lãnh đạo AGD công bố, nhưng một số nhà đầu tư cho rằng, quyết định của AGD là “biểu quyết gia đình trị”, cổ đông nhỏ chẳng có tiếng nói gì cả.
Trong cơ cấu cổ đông của AGD, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạo cùng vợ nắm 42,11% cổ phần, thành viên hội đồng quản trị Lê Sơn Tùng và vợ nắm gần 22%.
Trường hợp của VFC cũng gần giống như AGD, trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm, cổ đông lớn của VFC là Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Golden Age (nắm 25,25% cổ phần), người đề xuất hủy niêm yết cùng 2 cổ đông lớn khác là Công ty trách nhiệm hữu hạn Mascon (nắm 35,3%), Vietnam Investments Fund I nắm 12,2% đã biểu quyết thông qua hủy niêm yết và các cổ đông nhỏ khác chỉ còn biết gật đầu, mặc dù biết rằng lý do 2 cổ đông lớn đưa ra (việc niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông, tính thanh khoản kém, không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp) là vô lý.
Ngày 14/9, Công ty cổ phần xây lắp và đầu tư Sông Đà (mã SDS, sàn HNX) đã chính thức hủy niêm yết 2,8 triệu cổ phiếu. Mặc dù SDS kinh doanh có lãi trong những năm gần đây, nhưng đại hội cổ đông SDS với các cổ đông lớn đang nắm giữ trên 80% khối lượng lượng cổ phiếu vẫn thông qua phương án xin hủy niêm yết tại sàn HNX.
Lý do hủy niêm yết được SDS nêu khá đơn giản là để chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM. Song nhiều nhà đầu tư lại cho rằng, SDS hủy niêm yết là vì lợi ích của cổ đông lớn và “bí ẩn” vẫn tốt hơn minh bạch thông tin.
Theo thống kê, đến 90% các doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết là do làm ăn be bét, thua lỗ liên tục nhiều năm, không công bố thông tin sai phạm để rời sàn và lãnh đạo biết chắc chắn là trước sau cũng bị đuổi khỏi sàn, tháo chạy trước để giữ lại một phần thể diện.
Điển hình là Công ty cổ phần vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP) biết chắc chắn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, lên tới 1.700 tỷ đồng. Ngày 1/6, hơn 38 triệu cổ phiếu VSP đã chính thức rời sàn HNX và ngày 6/7 giao dịch trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 2.000 đồng.
Các công ty khác tháo chạy trước khi bị đuổi như: Tribeco (mã TRI, sàn HOSE)… và nhiều công ty sẽ còn tiếp tục bị đuổi do thua lỗ 3 năm liên tiếp, mặc dù đã công bố ý định hủy niêm yết từ lâu.
Ngày 12/7, hơn 10 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar (MKP) đã chính thức rời sàn HOSE, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang làm ăn rất tốt, kinh doanh tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh cao và ổn định, kim ngạch xuất khẩu trong nhóm lớn nhất tại Việt Nam và giá cổ phiếu ở mức trên 45.000 đồng.
Việc MKP không được phân phối thuốc đồng nghĩa với việc sản xuất, kinh doanh của Mekophar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do không được xét công nhận thực hành tốt nhà thuốc, thực hành tốt phân phối thuốc…
Trong bối cảnh các quy định hiện hành còn thiếu và yếu, để giải quyết vướng mắc này, đại hội cổ đông bất thường MKP hồi giữa năm 2011 đã thông qua giải pháp khóa room ngoại và hủy niêm yết.
Sau đó vài tháng, MKP đã kéo room ngoại về được 0% và mất thêm vài tháng nữa để đảm bảo quyền thoái vốn của đông. Dù muốn hay không muốn thì việc MKP rời sàn gần như là một giải pháp bắt buộc do những quy định chưa rõ ràng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bó buộc hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo VnEconomy