BCI là gì? Ý nghĩa của chỉ số niềm tin kinh doanh

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Monday 12/06/2023 - 1289 lượt xem.

Trong lĩnh vực kinh tế, Business Confidence Index (BCI) là một trong những chỉ số được theo dõi và đánh giá quan trọng. Với sự biến động không ngừng của thị trường và nền kinh tế, việc đo lường mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp trong việc đầu tư và phát triển kinh doanh hiện nay là rất cần thiết. Vậy BCI là gì? Ý nghĩa của chỉ số này ra sao? Hãy cùng Webketoan tìm hiểu và khám phá về Chỉ số niềm tin kinh doanh trong bài viết này nhé!

BCI là gì?

Chỉ số niềm tin kinh doanh (Business Confidence Index) viết tắt BCI, là chỉ số thống kê hàng đầu về sự phát triển trong tương lai của các quốc gia. Chỉ số này được xây dựng dựa trên ý kiến ​​trong các cuộc khảo sát định kỳ thảo luận về tiến độ sản xuất, doanh số bán hàng, đơn đặt hàng và cổ phiếu hàng thành phẩm trong lĩnh vực sản xuất. Nó có thể được sử dụng để theo dõi sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và cố gắng dự đoán các bước ngoặt của môi trường kinh tế trong tương lai.

Về cơ bản, BCI cho thấy các nhà quản lý doanh nghiệp đang lạc quan về triển vọng của điều kiện kinh tế ở một quốc gia hoặc khu vực. Nó cũng vạch ra cách mọi người dự đoán nền kinh tế. Cụ thể:

  • Khi BCI tăng, điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang có niềm tin vào triển vọng kinh tế trong tương lai và sẽ có xu hướng đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.
  • Khi BCI giảm, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng trì hoãn quyết định đầu tư hoặc giảm bớt hoạt động.

BIC là gì?

Cách tính BCI

Để tính BCI, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được làm khảo sát thông qua bảng câu hỏi dựa trên tình hình kinh tế chung và tình hình tài chính cá nhân mỗi người trong vòng 3 tháng tới. Tuy nhiên, cuộc khảo sát chủ yếu vẫn chỉ đang hướng đến các doanh nghiệp vì họ là người hiểu rõ nhất nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng là gì. Một cách tính chung thường được sử dụng để tính BCI là:

Kết quả BCI = Phản hồi tích cực – Phản hồi tiêu cực

Trong đó, kết quả BCI sẽ cho ra 3 tình huống như sau:

  • BCI < 0: Niềm tin kinh doanh sụt giảm, hoạt động kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận ít.
  • BCI = 0: Niềm tin kinh doanh không thay đổi và tình hình vận hành, sản xuất vẫn tiếp tục như bình thường.
  • BCI > 0: Niềm tin kinh doanh tăng lên, nhận được kỳ vọng lớn từ các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế và thu nhập trong tương lai.

Ví dụ minh hoạ:

Nếu ngành công nghiệp sản xuất của một khu vực nhận được 80 phản hồi tích cực và 20 phản hồi tiêu cực từ các doanh nghiệp, công thức BCI có thể được tính như sau:

BCI = 80 – 20 = 60

Kết quả là 60, một điểm số cao cho thấy các doanh nghiệp trong ngành là rất tự tin và có triển vọng trong tương lai. 

Tác động của chỉ số niềm tin kinh doanh

Đối với thị trường tiền tệ

Niềm tin kinh doanh ảnh hưởng đến hầu hết các phân tích cơ bản của thị trường ngoại hối, chủ yếu là ảnh hưởng đối với thị trường tiền tệ. Nếu chỉ số niềm tin kinh doanh cao sẽ tác động tích cực đến tiền tệ. Bởi điều này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Ngược lại, nếu chỉ số này thấp, chúng sẽ có tác động tiêu cực đến tiền tệ. Do đó, các nhà giao dịch và nhà đầu tư thường thích nắm giữ tiền tệ của các quốc gia có giá trị BCI cao hơn.

Ngoài ra, BCI còn cung cấp manh mối về các ước tính khả năng có việc làm và thu nhập của người tiêu dùng trong tương lai để họ có thể tính toán và chi tiêu phù hợp. BCI cũng là một chỉ số mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến giá Forex. Tại thời điểm xuất hiện, BCI sẽ gây ra những biến động nhẹ về giá tiền tệ. Thời gian đưa ra cũng theo sau nhiều hoạt động kinh tế và chiến lược giao dịch, vì vậy chúng được các nhà giao dịch nắm rất rõ.

Đối với nền kinh tế

Niềm tin kinh doanh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định sử dụng của người tiêu dùng và quyết định sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể tác động đến cân đối cung cầu của nền kinh tế.

Tại trạng thái cân bằng kinh tế vĩ mô ngắn hạn, sự gia tăng tổng cầu làm dịch chuyển đường cong sang phải, nghĩa là GDP thực tế đang tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều sản lượng hơn. Ngược lại, tổng cầu giảm làm dịch chuyển đường cong sang trái, khiến GDP thực tế giảm, nghĩa là nền kinh tế đang thu hẹp và sản xuất ít hơn. 

Chỉ số BCI đóng vai trò khá quan trọng trong việc đánh giá mức độ tin cậy của doanh nghiệp đối với kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, chính phủ, các nhà đầu tư cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế hiện nay đều rất quan tâm đến chỉ số này để đưa ra quyết định hợp lý và định hình chiến lược đầu tư phù hợp trong tương lai. Thông qua bài viết, Webketoan hy vọng có thể mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về các thông tin tài chính, kinh doanh hiện nay.

Nguồn tham khảo: dnse.vn, oecd-ilibrary.org