Bộ y tế đề nghị tăng mức đóng BHYT của lao động từ năm 2019

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 01/08/2017 - 3709 lượt xem.

Mới vừa giảm 0.5% mức đóng BHXH cho người sử dụng lao động vào tháng 06/2017, giờ lại có lộ trình tăng BHYT, phải chăng lại tiếp tục đẩy gánh nặng về phía doanh nghiệp, giảm mức lương người lao động. Đi một vòng lại trở về “như phút ban đầu” ?

———

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 7/7, đại diện Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cá nhân là người lao động tăng dần lên 6%/lương.

Cụ thể, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2018, nhưng theo lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh BHYT, cần phải nghiên cứu, đề xuất mức đóng từ bây giờ.

Bộ Y tế đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT từ năm 2019. Theo đó, Luật quy định mức đóng tối đa 6% nhưng chúng ta đang đóng 4,5%.

         Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (ảnh minh hoạ)

Bộ này đưa ra 2 phương án:

– Phương án 1 là điều chỉnh với mức 0,3%/năm, cụ thể: năm 2019 là 4,8%; năm 2020 là 5,1%…và tới năm 2024 là 6%.

– Phương án 2 là điều chỉnh mức 0,5%/năm, bắt đầu năm 2019 là 5%; năm 2020 là 5,5% và 2021 là 6%.

Với đề xuất này, Bộ Y tế có phần lo ngại cho gánh nặng của bảo hiểm y tế bởi việc điều chỉnh chi phí khám chữa bệnh được cho là đang tăng lên và chính sách phổ cập y tế cho nhiều vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo phát triển cân bằng, không ai phải ở lại phía sau trong cách tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại.

Tuy nhiên, với mức đề xuất tăng đóng bảo hiểm lớn nhất theo Luật, rõ ràng lại tạo áp lực lên chi phí cho doanh nghiệp và giảm thu nhập của người lao động đi.

Theo Bộ Y tế, để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nhu cầu và nguồn lực cần thiết gồm đầu tư để hoàn thiện các trạm y tế xã, cơ sở y tế khó khăn, bệnh viện chuyên khoa phong, tâm thần.

Tiếp tục tăng tỷ lệ chi NSNN cho y tế với tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng chi trung bình của ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị Quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội; phấn đấu tỷ lệ chi NSNN cho y tế ở mức 10% trở lên để đảm bảo các nhu cầu đầu tư và chi thường xuyên cho y tế.

Bộ y tế đề nghị Chính phủ và bộ ban ngành nên ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cơ sở y tế. Bảo đảm đủ ngân sách Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội. Có chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ phù hợp để thu hút cán bộ y tế có chuyên môn cao về vùng núi, vùng khó khăn.

Nguồn: Báo Dân trí