Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HƯU TRÍ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

các bước thực hiện kế hoạch hưu trí

CHUYÊN ĐỀ VI : HƯU TRÍ

BÀI 2 : CÁC BƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HƯU TRÍ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Thế hệ cuối GenX, đầu GenY (những người sinh năm 1973 đến 1988) cần chú trọng hơn nữa đến nguồn thu nhập chủ động từ việc làm và thụ động từ tiết kiệm, đầu tư để chuẩn bị và thực hiện giai đoạn nghỉ hưu, tránh phó thác may rủi và phải trông cậy vào người khác.

Những mục tiêu cơ bản của kế hoạch hưu trí

Trong 100 triệu dân hiện nay, Việt Nam có gần 13,7 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Cuộc sống sau khi nghỉ hưu của nhóm người cao tuổi hiện nay chia thành các nhóm và có nhiều sự khác biệt nhưng tựu trung vẫn bao gồm các nhu cầu thiết yếu, nhu cầu hưởng thụ và nhu cầu cống hiến cho cộng đồng, xã hội hay để lại di sản cho con cháu.

Với việc phân tích nhu cầu sau khi nghỉ hưu như trên, mục tiêu của hoạch định hưu trí là để bảo vệ tiêu chuẩn sống, bảo đảm chi phí chăm sóc sức khoẻ, ngăn rủi ro lạm phát sau khi nghỉ hưu và phân bổ tài sản thừa kế cho thế hệ tiếp theo.

CÁC BƯỚC LÊN KẾ HOẠCH HƯU TRÍ

Hoạch định hưu trí không chỉ là xác định tuổi về hưu và làm gì vào tuổi hưu. Đó là một quá trình rất dài hơi và nhiều biến động. Quá trình này chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có nhiệm vụ là chuẩn bị khối tài sản đủ lớn. Giai đoạn này kết thúc ở thời điểm bắt đầu nghỉ hưu để chuyển sang giai đoạn 2 là giai đoạn có nhiệm vụ chuyển khối tài sản thành dòng tiền phục vụ cho các nhu cầu hưu trí.

Việc lập kế hoạch tài chính là rất quan trọng, bởi từ đó mới có thể đánh giá được tính khả thi của kế hoạch hưu trí. Nếu các yếu tố tài chính không đạt thì cần phải điều chỉnh lại mục tiêu.

Lập kế hoạch tài chính không chỉ để nhìn thấy bức tranh tổng thể, mà thông qua đó, chúng ta thực hiện các bước đầu tư, tiết kiệm, tái cơ cấu tài sản ở những thời điểm cần thiết.

CÁC LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HƯU TRÍ 

Thứ nhất, hưu trí là kế hoạch dài hạn nên cần phải được thực hiện từ sớm. Thông thường, tâm lý chung của mọi người là tập trung lo cho các mục tiêu trước mắt. Ví dụ như ngoài 30 tuổi thì hay có mục tiêu mua nhà, mua xe; ngoài 40 tuổi thì có mục tiêu lo cho con cái học đại học; đến ngoài 50 tuổi mới lo đến chuyện sau 60 tuổi nghỉ hưu. Nhưng thực tế thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là khoảng 75 và có thể cao hơn, nếu chỉ dùng tiền tích lũy của 10 năm và không tận dụng được nhiều sức mạnh thời gian của việc đầu tư thì khoản này khó có thể đủ.

Thứ hai, dự trù các nhu cầu tài chính cho việc nghỉ hưu cần phải đầy đủ, bao gồm nhu cầu chi tiêu cho bản thân và nhu cầu cho những người phụ thuộc. Đối với nhu cầu chi tiêu cho bản thân, khi về hưu không chắc chắn sẽ tiêu ít tiền hơn nên việc tính toán nhu cầu cần duy trì mức sống tương đương hiện tại, ngoài ra chi phí ăn uống thấp hơn nhưng chi phí y tế lại tăng lên và chi phí giải trí, đi lại có thể tăng. Việc phân bổ tài sản thừa kế nên ưu tiên sau việc bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Thứ ba, phương án dư phòng cần phải sẵn có, phương án bảo hiểm coi trọng tính bảo vệ. Mức trích lập dự phòng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào thanh khoản của danh mục tài sản và tính ổn định của các nguồn thu nhập khi nghỉ hưu. Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, mạn tính như xương khớp, tim mạch, tiểu đường… – những hệ lụy từ lối sống – đang ngày càng phổ biến. Nếu không có những chiến lược về sức khỏe, về tài chính, bảo hiểm thì gánh nặng với gia đình, cộng đồng, xã hội – sẽ rất lớn.

Thứ tư, cần có các phương án phòng ngừa rủi ro khi đầu tư. Lợi nhuận từ đầu tư cần đảm bảo mang lại dòng tiền đều đặn, đặc biệt với những người không còn thu nhập từ tiền lương, tiền công mà lương hưu lại không đủ chi tiêu. Tài sản đầu tư cần được đưa vào sản phẩm đầu tư phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu: hiệu suất lợi nhuận và rủi ro trung bình, đảm bảo bảo toàn vốn khi đầu tư, hạn chế đầu tư vào những kênh có rủi ro cao cùng biên độ lợi nhuận dao động mạnh. Danh mục đầu tư cần đa dạng để phân tán rủi ro và đáp ứng khả năng thanh khoản cho các mục tiêu khác trong cuộc sống.

Kế hoạch hưu trí chỉ được chuẩn bị tốt trên nền một tài sản đủ tốt cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Hoạch định tài chính cho tuổi hưu sẽ là một kế hoạch toàn diện về từ tích lũy, đầu tư gia tăng tài sản đến quản lý chi tiêu và bảo vệ tài chính trước và sau tuổi nghỉ hưu.

Trước khi bài viết kết thúc, xin được nhắc đến một thông tin vô cùng quan trọng: Quỹ bảo hiểm xã hội của nước ta sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2030, khi đã bước vào nửa sau của giai đoạn dân số vàng thì đây là kết quả không thể tránh được của các quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn này, cần sự quan tâm đến kế hoạch hưu trí từ cấp nhà nước, bộ ngành đến từng cá nhân. Nghề hoạch định tài chính ra đời ở Mỹ năm 1970 cũng xuất phát từ việc giải quyết nhu cầu cấp thiết của bài toán hưu trí này. Thế hệ chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu cuối GenX, đầu GenY thật sự cần đến một chương trình tư vấn tài chính và quản lý gia sản toàn diện.

Nguồn : Nguyễn Thu Giang – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT

Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )

Thực trạng dân số già ở Việt Nam – Lý do cần quan tâm tài chính tuổi hưu – Webketoan – Tư vấn Kế toán online

Exit mobile version