Thuế tối thiểu toàn cầu (thuế TTTC) dự kiến áp dụng từ đầu năm 2024 đang đặt ra nhiều thách thức, bao gồm phải ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực, bảo đảm sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – chia sẻ: “Vì lợi ích quốc gia, trước mắt Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế TTTC, để giành quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế TTTC tại Việt Nam. Về lâu dài, chúng ta cần phải nghiên cứu sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, để đảm bảo tính ổn định chính sách”.
Về cập nhật các biện pháp ứng phó, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã được thành lập để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất TTTC. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là Tổ Phó Thường trực.
Đồng thời, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thành lập một nhóm giúp việc cho tổ này. Theo đó, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhóm giúp việc đã tập trung nghiên cứu và đề xuất, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để giành quyền đánh thuế.
Đồng thời, nhóm giúp việc đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội dự kiến ban hành nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định về thuế TTTC tại Việt Nam. Việc triển khai thuế TTTC sẽ áp dụng trên toàn thế giới từ năm 2024, việc ban hành nghị quyết là một giải pháp kịp thời để áp dụng ngay từ ngày 1.1.2024.
Ngoài ra, để hạn chế tác động tiêu cực đối với thu hút đầu tư, Phó Tổng Cục trưởng lưu ý, Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế TTTC, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch.
“Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.
Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư” – Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.
Nguồn : laodong.vn