Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Cảnh giác với doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liền

canh-giac-voi-doanh-nghiep-thua-lo-2-nam-lienNhững công ty báo cáo lợi nhuận vài chục hoặc vài trăm triệu đồng trước kiểm toán bị nhà đầu tư xem xét với con mắt khắt khe hơn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Kể từ sau khi cổ phiếu của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) bị đưa vào diện tạm ngưng giao dịch đầu tháng này, và chỉ được giao dịch trở lại từ ngày 11/4 dưới dạng bị kiểm soát, trong giới đầu tư đã dấy lên mối lo ngại mới đối với các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp hai năm liền. 

Sự lo ngại ấy càng có cơ sở hơn khi sau đó hai Sở liên tục đưa những doanh nghiệp trong tình trạng lỗ tương tự vào diện cảnh báo hay tạm ngưng giao dịch.

Trong bản tin hàng ngày, một số CTCK đã lập danh sách những đơn vị lỗ 2 năm liền nhằm cảnh báo NĐT. Danh sách dài tới vài chục doanh nghiệp, chưa kể những đơn vị thuộc diện phải hủy niêm yết bắt buộc.

Cho đến thời điểm này, báo cáo tài chính năm 2012 có kiểm toán của các công ty niêm yết chưa được công bố hết, nhưng đã xảy ra không ít trường hợp kết quả lợi nhuận sau kiểm toán lãi thành lỗ, lỗ thành lãi hoặc lãi/lỗ tăng giảm bất thường. 

Những công ty báo cáo lợi nhuận vài chục hoặc vài trăm triệu đồng trước kiểm toán bị nhà đầu tư xem xét với con mắt khắt khe hơn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Nhóm công tư bất động sản hầu như không có doanh thu do các dự án bị đình trệ, hàng tồn kho cao, nợ nhiều và dòng tiền đang không quay về doanh nghiệp.

Thực ra những năm trước vẫn có những doanh nghiệp lỗ 5-6 quý liên tiếp, nhưng NĐT không cảnh giác vì khi đó môi trường kinh doanh tỏ ra thuận lợi hơn và triển vọng có lãi trở lại của doanh nghiệp được nhận định có thực. Bây giờ thì khác, sự cảnh giác đã trở thành cao độ bởi cổ phiếu không được giao dịch, đồng nghĩa với tiền của NĐT bị chôn trong “mớ giấy lộn” không biết đến bao giờ và có nguy cơ mất trắng.

Nhìn lại trường hợp SJS, không nhà đầu tư nào không lắc đầu. SJS đã từng là siêu bluechips những năm 2006-2007, là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, nằm trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ, nhiều tổ chức, tự doanh công ty chứng khoán. Đến ngày SJS tạm ngưng giao dịch vừa qua, quỹ ETF của Market Vector Vietnam Index còn nắm giữ 7,9 triệu cổ phiếu mã này. SJS vẫn còn nhiều tài sản là đất đai, nhưng đất đai ấy giờ không sinh lời trong khi nợ của công ty hàng ngàn tỉ đồng thì ngày ngày vẫn phải trả lãi.

Khi tâm lý đề phòng cổ phiếu “xấu” ngự trị, thì xu hướng giải ngân vào những cổ phiếu với chỉ số cơ bản tốt, có lợi nhuận ổn định, chú trọng kinh doanh ngành nghề chính trở thành tâm điểm thị trường. Trong vòng một tháng qua, nhiều cổ phiếu có EPS từ 5.000 đồng trở lên đã tăng giá 30-50%. Những cổ phiếu xuất sắc như vậy không nhiều và phần lớn trong số đó cổ đông lớn nhất là Nhà Nước, nên cầu nhiều, cung ít đã đẩy giá lên cao.

 

Tuy nhiên, dù đã tăng, thị giá những cổ phiếu tốt còn khá rẻ so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành nghề ở các thị trường khu vực. Chẳng hạn chỉ số PE các công ty kinh doanh cảng biển như DXP, DVP, VSC, hoặc cung cấp dịch vụ dầu khí như PVD, PET, GAS, PGS..mới chỉ ở mức 5-8 lần.

Trong bối cảnh đó, những đơn vị có kết quả kinh doanh quý 1/2013 khả quan chắc chắc sẽ được thị trường chào đón. Trong khối ngân hàng, VCB và CTG được nhận định là có lợi nhuận tốt hơn các ngân hàng cổ phần. PVD đã công bố lợi nhuận sau thuế quý I khoảng 420 tỷ đồng, tăng tương đối so với cùng kỳ. BMP, VNM, VCF và một số đơn vị ngành thực phẩm quy mô nhỏ được dự báo sẽ có kết quả tăng trưởng khá. Lợi nhuận quý 1 cao nhất thị trường, theo một nguồn tin đáng tin cậy trong ngành dầu khí, có lẽ sẽ thuộc về GAS với mức tăng ấn tượng.

Do hầu hết các bluechips đều niêm yết ở Hose và dòng tiền đang đổ về đây nên khoảng cách chênh lệch về khối lượng cũng như giá trị giao dịch hàng ngày giữa HoSE và HNX đang nới rộng. Các cổ phiếu đầu cơ bên sàn Hà Nội không còn thu hút NĐT như những đợt tăng điểm trước đây. Thực trạng này có thể còn tiếp tục nếu kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp trên HNX kém khả quan.

 

Theo Hải Lý

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Exit mobile version