Đã tròn 1 tuần kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch “Thuế đối ứng” áp dụng với hơn 180 quốc gia vào ngày 02/04/2025. Sự kiện này gây chấn động nền kinh tế toàn cầu, khiến cả thế giới chao đảo. Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á, châu Âu lao dốc nhiều phiên liên tiếp vì nguy cơ lạm phát, suy thoái.
THUẾ ĐỐI ỨNG LÀ GÌ ?
Thuế đối ứng là mức thuế quan cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và đối tác thương mại. Tính toán này giả định rằng thâm hụt thương mại là do sự kết hợp của các yếu tố thuế quan và phi thuế quan ngăn cản thương mại cân bằng. Bằng cách áp dụng chính sách thuế, chính phủ Mỹ tác động trực tiếp đến việc giảm lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ, cũng như bảo vệ sản xuất nội địa của Mỹ…
Việc đánh thuế được chia thành 2 nhóm :
(i) Mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả quốc gia, có hiệu lực lập tức vào 5/4
(ii) Mức thuế đối ứng, cao hơn, áp dụng từ 09/04/2025, đối với những nước có hàng rào thuế quan bất lợi cho Mỹ, thặng dư thương mại về hàng hóa lớn hơn với Mỹ
Mỹ cho rằng vì Việt Nam áp dụng nhiều loại công cụ thuế quan lẫn phi thuế quan như VAT, phí, hạn chế kỹ thuật về nhập khẩu, lẫn “thao túng tiền tệ” để đạt lợi ích không công bằng về thương mại nên mới có thặng dư thương mại lớn, tức xuất siêu hàng hóa lớn với Mỹ, và để cân bằng, thì theo công thức của thuế đối ứng Mỹ thì cần mức thuế quan lên đến 90%. Nhưng ông Trump chỉ áp mức 46%. Nhiều ngành của Việt Nam, bao gồm sản xuất linh kiện, điện tử, nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày đều sẽ bị ảnh hưởng xấu. Việc áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ chuyển sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá. Việt Nam gặp khó khăn, Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không kém.
Tuy nhiên, hàng trăm sản phẩm không trong diện chịu thuế đối ứng. Ví dụ, nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng ôtô đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó sẽ tiếp tục áp dụng mức này. Vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn và gỗ cũng vậy. Một số loại năng lượng và khoáng sản không có tại Mỹ không phải tuân thủ thuế này. Các ngành cao su, dây cáp điện, giấy … chịu tác động trung bình do tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp.
THUẾ ĐỐI ỨNG 46% ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng tác động trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, đã tạo ra những tác động sâu rộng, đặc biệt là các ngành xuất khẩu :
- Ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ : đây là các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Mức thuế cao khiến cho giá thành sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ tăng lên, khiến cho giảm sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may và gỗ sẽ mất đi một lượng đơn hàng lớn từ thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu chính.
Khi đơn hàng giảm, các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn lao động trong các nhà máy sản xuất liên quan. BĐS công nghiệp và logistics cũng chịu tác động mạnh từ chính sách thuế đối ứng này.
- Người lao động bị giảm thu nhập, hoặc phải tăng ca để cải thiện thu nhập, đồng thời điều kiện làm việc kém đi khi các doanh nghiệp cố gắng cắt giảm chi phí
- Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, gây bất ổn xã hội. Tác động mạnh nhất ở các khu vực kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Mức thuế đối ứng 46% là thách thức lớn đối với chính phủ, doanh nghiệp và cả lực lượng lao động Việt Nam. Do vậy, việc thương lượng mức thuế mới đi cùng với cải tổ mạnh về chính sách kinh tế sẽ là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
Biên tập : Trần Thị Mai Hân – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT