Chế độ BHXH nghỉ việc chăm sóc con ốm

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 01/08/2016 - 119371 lượt xem.

I. Điều kiện hưởng
Con dưới 7 tuổi bị ốm phải nghỉ việc để chăm sóc, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền

II. Chế độ hưởng
1. Thời gian hưởng
Được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa (*):

– Con dưới 3 tuổi: Tối đa cho 1 con là 20 ngày/năm
– Con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Tối đa cho 1 con 15 ngày/năm

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc mẹ hoặc cả hai cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm theo quy định trên(*).

Ví dụ 1: Hai vợ chồng bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2016. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:
– Bà B nghỉ chăm con từ ngày 11/01 đến ngày 17/01/2016 và từ ngày 25/01 đến ngày 05/02/2016;
– Chồng bà B nghỉ chăm con từ ngày 18/01 đến ngày 24/01/2016.
Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:
+ Đối với bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.
+ Đối với chồng bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.

Ví dụ 2: Hai vợ chồng chị T đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con trai 5 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị bệnh từ ngày 07/3/2016 đến ngày 11/3/2016. Trong thời gian con phải nằm viện điều trị bệnh, cả hai vợ chồng chị T đều nghỉ việc để chăm sóc con.
Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng chị T đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau với thời gian là 05 ngày.

Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định trên(*).

Ví dụ: Bà A đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 2 con dưới 7 tuổi bị ốm đau với thời gian như sau: con thứ nhất bị ốm từ ngày 04/01 đến ngày 10/01/2016, con thứ hai bị ốm từ ngày 07/01 đến ngày 13/01/2016, bà A phải nghỉ việc để chăm sóc 2 con ốm đau. Ngày nghỉ hàng tuần của bà A là ngày Chủ nhật. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà A được tính từ ngày 04 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016 là 09 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật).

2. Mức hưởng

Mức hưởng chế độ = (Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24)* 75%*Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ

III. Hồ sơ hưởng
1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.

Nguồn tham khảo:
– Điều 25, 27, 28, 100, Luật BHXH số 58/2014/QH13 (hiệu lực 01/01/2016)
– Điều 4, 5, 6, 8, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH  (hiệu lực 15/02/2016)