Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ dưỡng sức sau tai nạn, bệnh nghề nghiệp – chế độ BHXH

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 25/04/2016 - 20372 lượt xem.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều kiện hưởng

1. Chế độ tai nạn lao động: Bị tai nạn và suy giảm khả năng lao động từ 5% do tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
• Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
• Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
• Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Chế độ bệnh nghề nghiệp:
• Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường
• Nghề có yếu tố độc hại và suy giảm khả năng lao động từ 5% do bệnh nói trên
Chú ý:
– Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định;
+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.
– Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;
+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hưởng

1. Trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp một lần:
* Điều kiện hưởng: Suy giảm khả năng lao động từ 5% – 30%
* Mức trợ cấp = Mức trợ cấp theo mức SGKNLĐ + Mức trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH. Trong đó:
+ Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động:
– Suy giảm 5%= 05 lần mức lương cơ sở
– Thêm 1% = thêm 0,5 lần mức lương cơ sở
+ Mức trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH:
– Đóng BHXH từ dưới 1 năm = 0,5 tháng lương đóng BHXH liền kề trước khi nghỉ để điều trị.
– Thêm 1 năm đóng BHXH= thêm 0,3 tháng lương đóng BHXH liền kề trước khi nghỉ để điều trị.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A là công nhân nhà máy B, đóng bảo hiểm được 2 năm. Tháng 01/2016 , trong giờ làm việc Anh A bị tai nạn, tỷ lệ thương tật là 5%. Anh A đóng bảo hiểm tại công ty với mức 3.745.000 đồng/tháng. Vậy anh A sẽ nhận được trợ cấp một lần từ bảo hiểm sẽ là:
Mức hưởng = 5*1.150.000+ 0.8*3.745.000 = 8.746.000 đồng

2. Trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hàng tháng:
* Điều kiện hưởng: Suy giảm khả năng lao động từ 31%

* Mức trợ cấp = Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH. Trong đó:
+ Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng LĐ:
– Suy giảm 31% = 30% mức lương cơ sở
– Thêm 1% = thêm 2% mức lương cơ sở
+ Mức trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH:
– Đóng BHXH từ dưới 1 năm = 0,5% tháng lương đóng BHXH liền kề trước khi nghỉ để điều trị
– Thêm 1 năm đóng BHXH= thêm 0,3% tháng lương đóng BHXH liền kề trước khi nghỉ để điều trị

Ví dụ: Cũng theo ví dụ trên, nhưng trường hợp này Anh A có tỷ lệ thương tật là 31% thì Anh A nhận được trợ cấp hàng tháng là 3.341.000đồng

3. Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp:
Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở
4. Các chế độ khác:
+ Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Hồ sơ hưởng

1/. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
+ Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
+Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
2/. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+  Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao.
+ Giấy ra viện sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

+ Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Điều kiện hưởng

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

Mức hưởng

Mức hưởng một ngày:
+ Bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;
+Bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

+ Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Trong thời hạn 10 ngàykể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.

Nguồn tham khảo: Mục 3, Chương III  và Mục 2, Chương VII Luật số 58/2014/QH13 ngày hiệu lực 01/01/2016