Chính sách thuế đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 23/11/2017 - 7386 lượt xem.

Ngày 03/11/2017, Bộ tài chính đã có công văn hướng dẫn chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), chi phí lãi vay đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa : Nguồn ảnh: Internet


 Cụ thể như sau:                           

1. Về thuế GTGT:

Căn cứ:  

– Điểm b khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP

Theo đó:

Trường hợp Công ty B thực hiện điều chuyển tài sản để sáp nhập vào Công ty A theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì Công ty B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và không phải xuất hóa đơn GTGT.

2. Về thuế TNDN:

2.1. Về việc đánh giá lại tài sản khi sáp nhập:
Căn cứ:

– Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP
Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP
Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 45/2013/TT-BTC
– Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC
– Điều 2 Thông tư số 151/2014/TT-BTC

Theo đó:

Trường hợp  Công ty  A  mua lại 100% vốn góp của Công ty  B  sau đó sáp nhập Công ty B vào Công ty A  nếu phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thì:

Đối với Công ty  B : Khi thực hiện sáp nhập Công ty B vào Công ty A, Công ty B thực hiện quyết toán thuế đến thời điểm sáp nhập và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định (số liệu quyết toán thuế theo giá trị sổ sách hiện hữu, không phải thực hiện đánh giá lại tài sản khi quyết toán thuế).

Đối với Công ty A : Khi thực hiện sáp nhập, Công ty A được đánh giá lại tài sản của Công ty B  để ghi nhận vào sổ sách. Phần chênh lệch tăng hoặc giảm giữa số tiền mà Công ty  A bỏ ra để mua lại 100% vốn của Công ty B (đầu tư vào Công ty B) so với giá trị tài sản sau khi đánh giá lại (giá trị hợp lý của tài sản) của Công ty B được tính một lần vào thu nhập khác (đối với chênh lệch tăng) hoặc giảm trừ thu nhập khác (đối với chênh lệch giảm) trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đồng thời, tài sản được ghi nhận theo giá trị hợp lý khi sáp nhập thì giá trị hợp lý này Công ty A được trích khấu hao hoặc phân bổ dần vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hàng năm theo giá đánh giá lại (trừ trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không được trích khấu hao hoặc phân bổ vào chi phí theo quy định). Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất đưa vào kinh doanh bất động sản thì giá trị hợp lý khi sáp nhập (giá đánh giá lại) được tính vào giá vốn khi chuyển nhượng bất động sản.

2.2. Về chi phí lãi vay:

a. Đối với giai đoạn từ ngày 01/01/2014 đến trước ngày 01/01/2015:

Căn cứ:

– Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP

Điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư số 78/2014/TT-BTC

Điểm 2.17 và 2.18 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC

b. Đối với giai đoạn từ ngày 01/01/2015:

Căn cứ:

Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP

Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP

–  Điều 4 Thông số 96/2015/TT-BTC

 Đoạn 6, đoạn 7 Chuẩn mực kế toán số 16

Theo đó:

Trường hợp Công ty A đã góp đủ vốn điều lệ, sau đó thực hiện vay vốn để mua lại 100% vốn góp của Công ty B thì khoản chi phí lãi tiền vay của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay được tính như sau:

+ Đối với giai đoạn trước khi sáp nhập:

Khoản chi phí lãi tiền vay phát sinh trong năm 2014 thì được tính vào giá mua của phần vốn khi chuyển nhượng vốn đầu tư. Từ ngày 01/01/2015, khoản chi phí lãi tiền vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ.

+ Đối với giai đoạn sau khi sáp nhập:

Chi phí lãi tiền vay được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 “Chi phí đi vay”.

Nguồn tham khảo: Công văn 14881/BTC-CST, ngày 03/11/2017