Năm 2018 đã chứng kiến những thay đổi quan trọng trong chính sách thuế và tất cả đều hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Sửa đổi quy định về thuế suất thuế GTGT 0%: gỡ khó cho DN sản xuất sản phẩm xuất khẩu
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm 2018 là Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp và sau đó, ngày 16/3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 146.
Theo đó, sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nếu thuộc một trong ba trường hợp sau: Sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình sản xuất đã chế biến thành sản phẩm khác rồi mới chế biến thành sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình sản xuất đã chế biến thành sản phẩm khác rồi mới chế biến thành sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản.
Quy định mới này đã và sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có sử dụng tài nguyên, khoáng sản để chế biến sản phẩm xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất sản phẩm xuất khẩu do khi được áp dụng thuế suất 0% thì những doanh nghiệp này được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp.
2. Cải cách thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế tạo thuận lợi cho hoạt động ngoại thương
Ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo thông tư này, các thủ tục hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được cải cách cơ bản để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Một là, về thủ tục hải quan, phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) trở thành phương thức chủ yếu. Hồ sơ được người khai nộp dưới dạng điện tử ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai. Như vậy, người khai không cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ giấy và mang đến cơ quan hải quan để nộp như hiện tại.
Hai là, thủ tục khai bổ sung được thực hiện hoàn toàn thông qua hệ thống điện tử, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại.
Ba là, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai hải quan ngay sau khi tờ khai hải quan được đăng ký thành công.
Bốn là, việc lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (nếu người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu) sẽ thực hiện đề nghị của mình thông qua hệ thống mà không cần phải đến cơ quan hải quan.
Năm là, quy định cụ thể hơn những nội dung liên quan đến loại hình gia công xuất khẩu theo hướng: đưa ra định nghĩa thống nhất về định mức hàng gia công; bổ sung quy định người khai phải khai báo mã nguyên liệu, mã sản phẩm trên tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và xuất khẩu sản phẩm; thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu và trách nhiệm thông báo hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công.
3. Hóa đơn điện tử: Giảm chi phí cho DN
Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã trình để ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018. Theo nghị định này, trừ những trường hợp hộ kinh doanh rất nhỏ, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh chỉ sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với 2 loại hóa đơn điện tử là: hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế. Các doanh nghiệp có lộ trình 2 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực để chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử. Với thực tiễn đã áp dụng hóa đơn điện tử thời gian qua cho thấy, việc triển khai mở rộng hóa đơn điện tử vừa giúp cơ quan thuế quản lý các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế một cách chặt chẽ và minh bạch, vừa giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp và giảm các rủi ro khi giao nhận hóa đơn giấy.
4. Trình dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi với nhiều quy định hỗ trợ DN phát triển
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Dự án Luật này có nhiều điểm mới theo hướng tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế và cải cách thủ tục hành chính thuế, trong đó, đáng chú ý là các quy định sau:
Bổ sung nguyên tắc “Áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế” nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và minh bạch cho việc hiện đại hóa thủ tục hành chính thuế.
Kéo dài thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ 90 ngày lên 120 ngày để hỗ trợ người nộp thuế có thêm thời gian tổng hợp thu nhập trong năm, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung khác về quản lý thuế như: thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý nợ thuế; xử lý vi phạm hành chính về thuế…
Như vậy, năm 2018 đã chứng kiến những thay đổi quan trọng trong chính sách thuế và tất cả đều hướng đến mục tiêu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa hiện đại hóa quản lý thuế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế./.
Nguồn: PGS.TS Lê Xuân Trường