Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Chuyên gia tài chính cá nhân “bắt mạch” 3 nguyên nhân gây đau đầu vì tiền

đau dầu vì tiền

CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

BÀI 18: 3 NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU ĐẦU VÌ TIỀN

Nếu không có một kế hoạch tài chính và thiếu kỹ năng về hoạch định tài chính cá nhân, bạn sẽ dễ lâm vào khủng hoảng tài chính.

1. Thiếu quỹ dự phòng khẩn cấp

Bạn vẫn luôn thấy mình ổn và không cần phải có một kế hoạch tài chính nào như người khác vẫn khuyên bảo. Nhưng đột nhiên công ty cho nghỉ việc, bạn bất ngờ gặp tai nạn, xe bị hỏng cần tiền để sửa chữa…. Chính những lúc “hoạ vô đơn chí” này sẽ cho thấy tầm quan trọng của quỹ dự phòng khẩn cấp.

Để tránh lâm vào tình huống khó khăn, thậm chí khủng hoảng này, bạn nên xây dựng cho mình một quỹ dự phòng khẩn cấp ở mức 3 – 6 tháng thu nhập cho chi phí sinh hoạt thiết yếu và khoản nợ phải trả ngân hàng. Trường hợp thu nhập của bạn không ổn định, mức trích lập quỹ dự phòng cần cao hơn, có thể lên đến 12 tháng.

2. Khoản đầu tư lớn thua lỗ, mất giá mạnh

Khi đầu tư, đa số chúng ta đều mong muốn thu về lợi nhuận tốt. Tuy nhiên thực thế cho thấy các khoản đầu tư có lợi nhuận thấp thường đi kèm với rủi ro thấp, lợi nhuận cao tương ứng với rủi ro cao. Các nhà đầu tư bị khủng hoảng tài chính khi phần lớn khoản đầu tư của họ bị sụt giảm giá trị, thiếu tính thanh khoản dẫn đến tình trạng kiệt quệ dòng tiền. Đây còn được gọi là “chết trên đống tài sản”.

Do đó, việc trang bị kiến thức về lĩnh vực đầu tư mà mình tham gia là vô cùng cần thiết, bao gồm những điều sau:

Một, cần hiểu về chu kì đầu tư của loại hình tài sản, thời điểm vào ra hợp lý.

Hai, cần đa dạng danh mục tài sản, đảm bảo tính thanh khoản của tài sản ở các thời điểm.

Ba, cần xác định các mục tiêu tài chính trong ngắn hạn, dài hạn để chọn loại hình tài sản đầu tư phù hợp. Khi cần tiền có thể bán ra thu hồi tiền về mà vẫn đảm bảo bảo toàn giá trị.

Bốn, sẵn sàng các phương án quản trị rủi ro khi có sự thay đổi về tình hình tài chính bản thân và tình hình kinh tế – xã hội.

Năm, chỉ nên dành tỉ trọng nhỏ trong tổng tài sản cho các khoản đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao. Tuyệt đối không bỏ trứng vào một rổ.

3. Không kiểm soát được nợ nần

Bạn có thể mắc phải một trong số các tình huống sau:

Một, không có thế mạnh trong việc làm việc với các con số, không nắm được tổng thể tình hình tài chính của bản thân ra sao.

Hai, sử dụng thẻ tín dụng mà không nắm rõ các điều khoản sử dụng thẻ, các loại phí và lãi suất phải trả cũng như không thường xuyên trả theo số dư tối thiểu.

Ba, bị lệ thuộc và thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng như một phao cứu sinh.

Bốn, vay tín chấp với lãi suất cao để đầu tư vào sản phẩm có lợi nhuận tiềm năng trung bình ở mức thấp hơn.

Năm, không có khả năng thanh toán các chi phí định kì.

Sáu, thường phải vay nợ, có khi dùng khoản vay mới để trả khoản vay cũ.

Do đó mỗi người cần lên kế hoạch quản lý chặt chẽ chi tiêu, tăng khoản tiết kiệm hàng tháng. Kế hoạch và lộ trình trả nợ nên rõ ràng, có thể thương lượng giãn nợ và chỉ trả gốc để giảm áp lực trong quá trình trả nợ để tránh đau đầu vì tiền.

Bên cạnh đó, bạn cần trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân, học cách đầu tư sao cho hiệu quả. Tối thiểu là bạn hiểu được chỉ nên vay đầu tư khi và chỉ khi lợi nhuận từ đầu tư cao hơn lãi vay phải trả. Nếu không bạn sẽ vô tình bào mòn tài sản.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sức khỏe tài chính của chúng ta cũng cần được thăm khám định kì, có các biện pháp phòng bệnh để tránh việc phải đối phó một cách thụ động đối với các tình huống không mong đợi. Điều này sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong suốt lộ trình xây dựng tài chính và có một cuộc sống an yên.

Nguồn : Hana Tran – Laodong.vn

BIên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )

Các trụ cột trong tài chính cá nhân – Webketoan – Tư vấn Kế toán online

Exit mobile version