CMA Australia: “Giám đốc tài chính chiến lược – Xu hướng tất yếu”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Saturday 23/04/2016 - 3056 lượt xem.

Cách đây hơn 100 năm, khi hoạt động giao thương diễn ra trực tiếp giữa các chủ thể KD, hoạt động tài chính được gọi là Tài chính kinh doanh nhắm đến tìm nguồn tiền để tài trợ cho các hoạt động KD.

afa1

Với sự phát triển của các doanh nghiệp, các tập đoàn, đến những năm 1950s của thế kỷ trước, hoạt động tài chính ngày càng có phạm vi rộng hơn, phục vụ hoạt động của doanh nghiệp (corporate finance) và vị trí Giám đốc tài chính (CFO) hướng tới thực hiện ba nhiệm vụ chính, tìm phương án tiêu tiền (Hoạt động đầu tư – Investment), tìm nguồn tiền cho các phương án này (Hoạt động tài trợ – Financing), và chia lợi tức (Dividend policy).

Trong kinh doanh hiện đại ngày nay, CFO không chỉ đóng vai trò khoanh gọn trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính. Khái niệm Tài chính doanh nghiệp giờ chuyển thể thành Quản trị tài chính (Financial management) và đặc biệt hướng tới thực thi chiến lược của doanh nghiệp, Quản trị tài chính chiến lược (Strategic Financial Management).

CFO, mặc dù phải đạt mục tiêu tối thượng của quản trị tài chính là tối đa hoá lợi ích của cổ đông, nhưng thực hiện điều đó gắn với tầm nhìn và chiến lược dài hạn của công ty.

Vai trò của CFO được phủ rộng trong các lĩnh vực từ thiết lập và thực thi chiến lược, xây dựng cấu trúc quản trị tối ưu, lập ngân sách và đánh giá dự án đầu tư, tìm nguồn tài trợ, tối ưu hoá cấu trúc vốn, quản trị rủi ro, cho đến những vấn đề về công nghệ thông tin, hay công bố thông tin và đánh giá và kiểm soát phản ứng của thị trường và các bên hữu quan (Stakeholders) trước những thông tin công bố.

Có thể nói, trong môi trường kinh doanh biến động không ngừng, vai trò của CFO rộng hơn bao giờ hết. Và như thế đòi hỏi CFO phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức toàn diện và kinh nghiệm sâu sắc để thực thi vai trò hỗ trợ đắc lực nhất cho CEO và thực tế CFO ngày nay thường được coi là vị trí sẽ kế vị CEO trong tương lai.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê và nghiên cứu chính thức, vị trí CFO dường như vẫn chỉ gói gọn trong lĩnh vực tài chính, mà thậm chí chỉ là kế toán và kiểm soát một số chu trình đơn giản có liên quan đến thu và chi tiền. Có những doanh nghiệp quy mô cỡ vừa, khi tuyển dụng vị trí CFO, mô tả công việc chủ yếu nhắm vào công việc của một kế toán, mà lại chủ yếu kế toán phục vụ cơ quan thuế mà thực sự không xác định rõ và đánh giá đúng mực vai trò của một CFO.

Nếu CFO sinh ra mà chỉ để phục vụ yêu cầu của thuế thì có lẽ không có gì nhàm chán hơn. Cũng không thể trách các ông chủ, bởi trong đầu họ luôn nghĩ rằng làm thế nào bán được hàng mới quan trọng chứ CFO thì chỉ tốn kém chi phí mà thôi.

Thế nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp có phát triển thực sự và bền vững hay không thì quản lý tài chính lại đóng một trong những vai trò quan trọng nhất. Giống như trong một giải đấu bóng đá, đội có hàng phòng ngự mạnh nhất thường sẽ lên ngôi vô địch thay vì đội có hàng công bay bướm và lả lướt nhất.

Tại những tập đoàn lớn ở Việt Nam, những thay đổi rất tích cực có thể quan sát được. Các tập đoàn bắt đầu xây dựng những tuyến phòng thủ đích thực, mà theo thông lệ quốc tế được gọi là Mô hình ba tuyến phòng thủ (The Three Lines of Defense). Ba tuyến phòng thủ này bao gồm một hệ thống kiểm soát quản lý (Management Control) hữu hiệu, một hệ thống đánh giá rủi ro (Risk Management) dựa trên những phương pháp luận có hệ thống, và cuối cùng là vai trò của Kiểm toán nội bộ (Internal Audit).

Hệ thống kiểm soát quản lý nhắm đến vai trò tối ưu hoá hoạt động của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn lực, kiểm soát nguồn lực và kết quả đầu ra mong muốn. Kiểm soát quản lý còn là lưới lọc đầu tiên nhằm ngăn chặn những rủi ro, gian lận và những hành vi phi đạo đức trong kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận hành đúng theo tầm nhìn và chiến lược đã đặt ra.

Trong khi quản trị rủi ro như là một loại vacine giúp doanh nghiệp miễn nhiễm với các “căn bệnh” khi môi trường biến động rất khó lường. Và sự đánh giá độc lập của kiểm toán nội bộ đặc biệt quan trọng, đóng vai trò như một Nhân tố tạo ra sự đổi mới (Key Agent of Changes) thông qua các phát hiện và khuyến nghị không chỉ trong hoạt động mà còn mang tính chiến lược.

Vai trò của một CFO chiến lược sẽ đặc biệt quan trọng trong một hệ thống toàn diện như vậy. Thông qua vài trò rất rộng của mình, CFO chiến lược sẽ ra quyết định và thực thi trên một nền tảng hướng tới lợi ích dài hạn của cổ đông, và ngày nay còn hướng tới lợi ích dài hạn của đối tượng rộng hơn là các bên liên quan (Stakeholders).

Ví dụ, vai trò quản trị rủi ro không chỉ nhắm đến bảo vệ doanh nghiệp mà còn bảo vệ lợi ích của khách hàng, của nhà cung cấp, của dân cư trong vùng khi xử lý cả những rủi ro về môi trường, của công nhân, của chính phủ khi xử lý các vấn đề về lao động và việc làm. Có như thế doanh nghiệp mới đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Ví dụ điển hình tại Việt Nam, có lẽ chỉ khi không được lựa chọn, bạn, một người tiêu dùng xanh, sẽ buộc phải mua sản phẩm của Vedan, công ty được coi là đã “giết” sông Thị Vải với chiến lược xả trộm nước thải chưa xử lý.

CFO không chỉ quan tâm đến câu hỏi công ty sẽ thiệt hại về tài chính như thế nào khi bị phạt mà còn quan tâm đến việc tương lai của công ty sẽ thiệt hại những gì, khách hàng có quay lưng với sản phẩm của công ty vì hành vi gây ô nhiễm môi trường?

Hay như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng một thời điêu đứng vì những cáo buộc huỷ hoại môi trường tại các khu vực kinh doanh của họ. HAGL đã tốn rất nhiều tiền để khôi phục lại hình ảnh của mình, cũng như thiệt hại rất lớn khi chi phí vốn tăng cao nếu muốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, đặc biệt ra thị trường quốc tế.

Các ngân hàng đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức ngày càng đề cao vai trò môi trường trong các quyết định đầu tư của mình, bây giờ người ta gọi họ là Ngân hàng xanh (Green Banking). Và tất cả những điều này bây giờ đều thuộc vai trò của một Giám đốc tài chính chiến lược. Chẳng thế mà một tập đoàn được coi là lớn nhất Việt Nam có vị trí CEO kiêm CFO.

Hôm nay, các CFO hay vị trí tương tự ở cấp thấp hơn là Kế toán trưởng trong các doanh nghiệp Việt Nam đều muốn thay đổi định mệnh của mình. Và họ cần trang bị những kiến thức toàn diện để trở lên “Chiến lược” hơn.

Cafebiz trao đổi với ông Phan Lê Thành Long, Trưởng đại diện Hội Kế toán Quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam về cơ hội phát triển sự nghiệp đối với nghề kế toán, kiểm toán thông qua định hướng “kế toán tạo ra giá trị” để có thể đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính chiến lược.

afa2

Ảnh: Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VACPA và CMA Australia 

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kế toán, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hiện nay?

Theo khảo sát của CMA Australia, những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tuân thủ của doanh nghiệp trong lĩnh vực kế toán và thuế. Với kinh nghiệm quốc tế, CMA Australia đánh giá rằng, đảm bảo tính tuân thủ sẽ tạo ra giá trị không lớn cho doanh nghiệp.

Các chủ doanh nghiệp cho rằng kết quả của người hành nghề kế toán, kiểm toán chỉ là chi phí tuân thủ do pháp luật yêu cầu thay vì tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Theo đó, vị trí kế toán, kiểm toán chưa được các doanh nghiệp coi trọng như các vị trí kinh doanh, bán hàng, marketing khi họ tạo ra doanh thu “nhìn thấy được” cho doanh nghiệp.

Như vậy, làm thế nào để những người hành nghề kế toán, kiểm toán có thể thay đổi “vận mệnh” của mình?

Tại các nền kinh tế phát triển, người hành nghề kế toán, kiểm toán đóng vai trò là một Nhà tư vấn kinh doanh (Business advisor) thực thụ đối với chủ doanh nghiệp. Khi đó, kế toán là người cung cấp các thông tin quản lý trong tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp cho giám đốc để giúp giám đốc ra các quyết định kinh doanh, nhiều khi là quyết định chiến lược của một doanh nghiệp.

Ví dụ, đứng trước một quyết định phát triển thị trường mới, giám đốc cần rất nhiều thông tin cần thiết để quyết định có phát triển thị trường hay không? Nếu có thì phát triển bằng cách nào? Phân bổ nguồn lực vào thị trường như thế nào? Có những trở ngại và rủi ro gì? Cơ cấu chi phí dự kiến của thị trường mới như thế nào? Doanh thu dự kiến và lợi nhuận gia tăng có đủ hấp dẫn đối với công ty? Dùng nguồn tài chính ở đâu? Chi phí tài chính từ nguồn nào là tối ưu? Tất cả các vấn đề này đều có thể được thu thập từ một hệ thống thông tin kế toán quản trị trong nội bộ doanh nghiệp. Kế toán phải đáp ứng được yêu cầu này.

Trong khi đó, người hành nghề kiểm toán cần đóng vai trò người tư vấn nhiều hơn nữa. Kiểm toán cần phát hiện ra những khiếm khuyết trong hệ thống để tư vấn cho doanh nghiệp sửa chữa các khiếm khuyết.

Kiểm toán cần đóng vai trò “dẫn dắt sự thay đổi” nhằm cải thiện hệ thống của doanh nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, các kiểm toán viên dường như chỉ hướng tới việc ký và phát hành báo cáo kiểm toán cho báo cáo tài chính. Và như thế, giá trị của họ tạo ra là không nhiều đối với các doanh nghiệp.

Như ông đã đề cập, người hành nghề kế toán, kiểm toán chưa trở thành “nhà tư vấn kinh doanh” cho các ông chủ, những kỹ năng và kiến thức cần thiết để họ có thể làm được điều này?

Một chương trình đào tạo chuẩn quốc tế là cần thiết đối với những người hành nghề kế toán, kiểm toán để giúp họ tư duy “chiến lược” nhiều hơn. Chương trình CMA Australia trang bị cho các hội viên tư duy chiến lược toàn diện trên tất cả các khía cạnh của một doanh nghiệp.

Hội viên CMA Australia có thể sử dụng các công cụ kế toán nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho giám đốc trong việc đưa ra các quyết định chiến lược về cấu trúc quản trị, quản lý marketing, quản lý bán hàng, xác định giá bán, phát triển thị trường, quản trị sản xuất và cung cấp dịch vụ, quản trị chất lượng, quản trị nhân lực, quản trị rủi ro và thậm chí nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp.

Như thế, người hành nghề kế toán, kiểm toán trở thành một nhà tư vấn, một “Giám đốc tài chính chiến lược”, thông thường được coi là người kế vị của Tổng Giám đốc (CEO). Khi đó, người hành nghề kế toán, kiểm toán có thể thực sự thay đổi “vận mệnh” của mình, đóng vai trò thực sự quan trọng trong doanh nghiệp và sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với những đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông có thể chia sẽ thêm thông tin về chương trình CMA Australia tại Việt Nam?

Đầu tháng 5/2016 tới, chương trình CMA Australia được tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam. Chương trình CMA Australia hướng tới đối tượng là nhà quản lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và quản trị tài chính nhằm truyền tải thông điệp “kế toán tạo ra giá trị”.

Kế toán ở đây có nghĩa rộng là chỉ những người hành nghề kế toán, kiểm toán và quản trị tài chính. Đây là xu hướng toàn cầu trong phát triển sự nghiệp kế toán, kiểm toán.

CMA Australia là chương trình quốc tế với chứng chỉ hội viên được công nhận toàn cầu. Chương trình được thiết kế bao gồm hai môn học, bao gồm Quản trị chi phí chiến lược và Phân tích kinh doanh chiến lược.

Hai môn học bao gồm 24 bài tập tình huống trang bị các công cụ thực hành rất thực tiễn cho hội viên theo mô hình của các chương trình đào tạo quản lý của các đại học lớn như Harvard và Stanford.

Đặc biệt, CMA Australia là chương trình quốc tế duy nhất được Việt hoá về ngôn ngữ cũng như bối cảnh và các tình huống tại Việt Nam nhằm trang bị tốt nhất cho hội viên có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập khi Việt Nam đã gia nhập TPP hay AEC.

Mọi thông tin về chương trình CMA Australia, bạn có thể tham khảo tại: http://www.afa.edu.vn/course/afa-ha-noi-chuong-trinh-cma-australia-tro-thanh-giam-doc-tai-chinh-chien-luoc-5-2016/