Cổ phiếu “tàng hình”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 29/08/2012 - 4647 lượt xem.

Với các lý do thường xuyên vi phạm quy định công bố thông tin hay thua lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp bị buộc phải hủy niêm yết. Thế nhưng, sau khi bị hủy niêm yết, những doanh nghiệp này gần như biến mất khỏi thị trường và NĐT nắm giữ những mã CP này tự hiểu rằng mình đã mất trắng.


 

Tương lai vô định

Hơn 12 triệu CP của CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV) bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hủy niêm yết kể từ ngày 11-5 với lý do này liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Kể từ khi bị hủy niêm yết tới nay, MCV gần như không có một thông báo chính thức nào để giải trình với NĐT về sự cố này.

Một số NĐT nắm giữ MCV đã bất lực không tìm ra thêm được bất kỳ thông tin mới nào, thậm chí truy cập website doanh nghiệp cũng không được.

Anh Thành, một NĐT tại TPHCM hiện đang nắm giữ hơn 10.000 MCV, bày tỏ: “Mục đích chính được HOSE đưa ra khi hủy niêm yết MCV là bảo vệ quyền lợi cho NĐT, nhưng với tình cảnh hiện nay chúng tôi đang trở thành người bị hại mà không biết cầu cứu ai. Bỏ ra hơn 40 triệu đồng để mua vào số CP này nhưng giờ không khác gì mớ giấy lộn”.

CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) bị HOSE hủy niêm yết 8 triệu CP kể từ ngày 24-5. Lý do bị hủy niêm yết do VKP có lợi nhuận sau thuế âm trong 3 năm liên tiếp căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán. Cũng giống như MCV, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng không hề có phát ngôn hoặc động thái gì để trấn an cổ đông và NĐT.

Theo quan sát, tin mới nhất trên website doanh nghiệp này chỉ là: “Thông báo công bố thông tin hoãn họp ĐHCĐ thường niên năm 2011”. Các doanh nghiệp bị hủy niêm yết trước đây như CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI), CTCP Dược Viễn Đông (DVD) cũng nằm trong tình trạng “tàng hình”. NĐT nắm giữ những CP này xem như mất trắng vì gần như mù tịt về tương lai của doanh nghiệp.

Kiểu gì cũng lỗ

Sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX, nhiều doanh nghiệp đã có cố gắng khắc phục bằng cách chuyển sang niêm yết trên sàn UPCoM. CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) là một trong số ít những doanh nghiệp bị hủy niêm yết đã thực hiện chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

Kể từ khi chuyển sàn đến nay, giá VSP chỉ được giao dịch ở mức giá rất thấp (dưới 3.000 đồng/CP) khiến NĐT thua lỗ nặng. CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) cũng có kế hoạch chuyển sang niêm yết ở sàn UPCoM (dự kiến giao dịch trở lại từ ngày 10-10). NĐT nắm giữ CAD cũng không mấy hào hứng vì thanh khoản của sàn UPCoM quá thấp nên muốn thoát hàng cũng không dễ.

Dẫu vậy, những cổ đông của VSP hay CAD vẫn may mắn hơn so với những cổ đông và NĐT đang nắm giữ cổ phần tại CTCP Full Powre (FPC). Ngay sau khi nhận được quyết định bị hủy niêm yết trên sàn HOSE vì thua lỗ kéo dài (hủy niêm yết từ tháng 8-2011), lãnh đạo FPC đã hùng hồn công bố sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn UPCoM.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay NĐT vẫn không có thêm tin tức gì về việc niêm yết trở lại của FPC. Sự bế tắc của FPC còn được thể hiện qua nội dung được thông qua tại ĐHCĐ năm 2012 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Tại ĐHCĐ này, ngoài các phương án bán bớt tài sản và giải thể các công ty con làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp này không đưa ra được mục tiêu sẽ có lời hay tiếp tục thua lỗ trong năm 2012.

Mối bận tâm lớn nhất của NĐT là quyền lợi của mình sẽ ra sao nếu lỡ đầu tư vào những doanh nghiệp này. Cuối tuần vừa qua, một CTCK tổ chức hội thảo về chiến lược đầu tư cũng nhận được nhiều câu hỏi từ phía NĐT về số phận của những CP bị hủy niêm yết.

Tuy nhiên, lãnh đạo của CTCK này cũng chỉ biết “cười trừ” và hứa sẽ chuyển lời của NĐT đến doanh nghiệp. Việc lãnh đạo CTCK không thể đưa ra lời giải thích cho NĐT là điều dễ hiểu bởi ngay cả UBCKNN cũng gần như “bó tay” với những trường hợp doanh nghiệp biến mất này.

Từ thực tế này, ngay khi có thông tin CP bị hủy niêm yết là NĐT lại tranh nhau bán ra bằng mọi giá. Dẫn chứng mới nhất là trường hợp CTCP Cà phê An Giang (AGC). Từ mức giá hơn 2.000 đồng/CP ngay khi thông tin bị hủy niêm yết được công bố, AGC bị xả hàng ồ ạt và kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên sàn HNX ngày 16-7 vừa qua, CP này chỉ còn 900 đồng/CP (tương đương mức giảm hơn 60%).

(Nguồn: http://www.thitruongtaichinh.vn)