Đảm bảo quyền lợi người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn: đâu là giải pháp lâu dài

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 02/05/2017 - 5254 lượt xem.

Một số từ viết tắt:

  • DN: Doanh nghiệp
  • NLĐ: Người lao động
  • NSDLĐ: Người sử dụng lao động

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, trong thực tế, những quy định này mới chỉ đáp ứng trong một thời điểm nhất định, mà chưa giải quyết triệt để, lâu dài.

Nhiều văn bản hỗ trợ…

Hết năm 2016, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong toàn quốc lên đến 7.795 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Trong đó, số nợ của các DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn lên đến 220,5 tỉ đồng, bao gồm: 1.676 DN bị phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh nợ 79,5 tỉ đồng của 7.800 lao động; 1.931 DN trong nước không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký (mất tích) nợ 89,5 tỉ đồng của 1.400 lao động; 106 DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn nợ 51,5 tỉ đồng làm ảnh hưởng quyền lợi của 4.000 lao động.

 Kiến nghị xử lý DN nợ BHXH

Nguyên nhân được xác định là do tính tuân thủ pháp luật chưa cao; một số DN cố tình không đóng BHXH cho NLĐ; công tác kiểm tra chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng có DN nợ BHXH với số tiền lớn trong thời gian dài; mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa tương xứng với hậu quả do chậm đóng, trốn đóng. Bên cạnh đó, công tác thông tin tình hình tham gia BHXH đến NLĐ chưa đầy đủ, rõ ràng; NLĐ còn thiếu thông tin về việc đóng BHXH của mình hoặc do áp lực việc làm nên không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác, nhiều DN thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

 

Ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 30/2009 về hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Theo đó, đối với DN đang nợ BHXH mà còn chủ SDLĐ, thì Nhà nước cho DN vay không lãi suất để thanh toán nợ lương, đóng BHXH hoặc trợ cấp mất việc làm. Đối với DN nợ BHXH mà chủ DN bỏ trốn, thì UBND tỉnh, thành phố ứng ngân sách địa phương trả cho NLĐ có trong danh sách trả lương của DN khoản tiền lương mà DN còn nợ NLĐ.

Còn với những DN không tìm thấy chủ DN, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1490/TTg-KGVX ngày 24/9/2012 về hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố rà soát kỹ và ứng ngân sách địa phương trả cho NLĐ có tên trong danh sách trả lương của DN khoản tiền lương mà DN còn nợ NLĐ. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của DN theo quy định của pháp luật. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 835/VPCP-KTTH ngày 8/2/2014 về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với NLĐ và việc xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN thuộc Vinashin và Vinalines. Trong đó, tập trung vào khoanh nợ (có bảo lãnh) để giải quyết trước quyền lợi cho NLĐ. Đây chỉ là giải pháp tình thế, áp dụng cá biệt đối với Vinashin và Vinalines.


NLĐ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi

Theo đánh giá, Quyết định số 30 và văn bản 1490 đã tạo điều kiện hỗ trợ các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, từ đó quyền lợi BHXH của NLĐ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc truy thu, truy đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng đã góp phần giải quyết được quyền lợi cho NLĐ trong các đơn vị nợ đóng BHXH vẫn đang còn hoạt động.

Tuy nhiên, với các DN đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mà đang nợ BHXH thì vẫn chưa có quy định về việc xử lý quyền lợi đối với NLĐ.

Trên thực tế, khi giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN này, cơ quan BHXH chỉ xác nhận thời gian đóng trên sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng đủ BHXH, rồi sau khi thu hồi được khoản nợ từ thanh lý tài sản sẽ xác nhận bổ sung. Nhưng do khi DN phá sản, khoản nợ BHXH không được ưu tiên thanh toán, nên về cơ bản đã không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít, nên NLĐ không được ghi nhận thời gian đóng BHXH đúng với thực tế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ.

Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ 4 phương án giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN này, trong đó có phương án ghi nhận thời gian NLĐ làm việc tại các DN giải thể, phá sản mà DN nợ tiền đóng BHXH là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở giải quyết chế độ BHXH hoặc chốt sổ BHXH để NLĐ chuyển đơn vị khác. Sau khi thanh lý tài sản được ưu tiên đóng BHXH; trong trường hợp không đủ thì được đảm bảo bằng khoản tiền lãi mà người SDLĐ phải nộp khi nợ đóng BHXH.

Ông Nguyễn Trí Đại- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Nếu Chính phủ đồng ý phương án ngành BHXH đề xuất là lấy nguồn tiền lãi chậm đóng tại DN nợ để thanh toán, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH cho NLĐ tại các DN này tính từ thời điểm DN tuyên bố phá sản thì quyền lợi NLĐ sẽ được đảm bảo. Song, khó khăn nhất chính là giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN không chấm dứt quan hệ với cơ quan BHXH, không tuyên bố phá sản, giải thể (có những DN nợ kéo dài trên 120 tháng)…

Khi Nghị định xử lý nợ BHXH ra đời, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chốt sổ BHXH cho NLĐ, những lao động còn sức khoẻ đã tìm được việc làm sẽ được cộng nối thời gian tham gia BHXH; những lao động đến thời gian hưởng chế độ cũng sẽ được hưởng…”- ông Đại cho biết.

Nguồn: 

  • Báo BHXH
  • BHXH TP.HCM