NGUYỄN VIẾT THỊNH – NGUYỄN MỸ HẠNH (*)
Ban kiểm soát (BKS) đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp, nhất là tại các công ty cổ phần. Chức năng quyền hạn của BKS được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy ở nhiều doanh nghiệp, BKS chưa thực hiện đầy đủ chức năng quyền hạn của mình, từ đó chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng của đại cổ đông (ĐHĐCĐ). Bài viết dưới đây chỉ ra năm nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của BKS trong các doanh nghiệp và đưa ra một số gợi ý.
Nguyên nhân 1: Thể chế của BKS không đủ mạnh
Đối với các công ty cổ phần, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, BKS có quyền hạn rất lớn. BKS do ĐHĐCĐ bầu ra để giám sát các hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) và giám đốc hoặc tổng giám đốc điều hành. Trên thực tế, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHĐCĐ thường nắm giữ hoặc cử người đại diện nắm giữ các chức vụ cao nhất tại HĐQT. Những người này phần lớn là những người có tiền (bản thân họ là cổ đông góp vốn) và quyền (do số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ). Trong khi đó, các thành viên của BKS về danh nghĩa là do ĐHĐCĐ bầu ra nhưng bản chất cũng là do các cổ đông có cổ phần chi phối quyết định. Do vậy, các thành viên của BKS rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT vì đó là những người có tác động rất lớn đến việc bổ nhiệm họ.
Ở các tập đoàn kinh tế nhà nước, vai trò của BKS trong một chừng mực nào đó còn mờ nhạt hơn cả các công ty cổ phần. BKS của các tập đoàn này do HĐQT thành lập, trưởng BKS là thành viên của HĐQT được HĐQT phân công nhiệm vụ. Các thành viên của BKS do HĐQT lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả BKS cũng hoạt động theo quy chế do HĐQT ban hành. Ngoài ra, thù lao của các thành viên BKS cũng do chính các doanh nghiệp chi trả, nên tính độc lập của BKS bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nguyên nhân 2: Nhận thức của các bên liên quan còn kém
Quy định hiện tại không nêu rõ trách nhiệm mà BKS phải gánh chịu nếu như không làm tròn vai trò của mình. Luật Doanh nghiệp chỉ đưa ra các trách nhiệm nếu các thành viên BKS vi phạm các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, khi có vấn đề xảy ra đối với các doanh nghiệp do HĐQT hoặc tổng giám đốc gây ra thì gần như các công ty, cổ đông không xem xét đến trách nhiệm của BKS.
Có vẻ như phần lớn các doanh nghiệp không xem trọng vai trò của BKS. Quan điểm của doanh nghiệp khi thành lập BKS là để tuân thủ pháp luật. Hoạt động của BKS phần lớn mang tính hình thức và chưa có thực chất. Do đó doanh nghiệp không đầu tư, trang bị đầy đủ cho BKS thực hiện tốt chức năng giám sát của họ.
Nguyên nhân 3: Thiếu nguồn nhân lực
Một nguyên nhân nữa giải thích lý do BKS không làm tròn chức năng của họ là do họ không có đủ nguồn nhân lực. Rất ít thành viên BKS làm việc toàn thời gian, phần lớn là làm việc bán thời gian, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác ở nhiều tổ chức, công ty khác hoặc ngay chính công ty mà họ là thành viên BKS. Cá biệt có doanh nghiệp có BKS chỉ gồm toàn các thành viên làm việc bán thời gian. Những người này thậm chí không quen biết nhau. Trên thực tế, phần lớn các BKS chỉ gặp nhau định kỳ hàng quí hoặc thậm chí là ít hơn. Số lần đi kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp chỉ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng người và cách làm việc như vậy thì việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với BKS là gần như không thể.
Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là kiến thức và kinh nghiệm của các thành viên BKS. Theo thông lệ quốc tế, để thực hiện công tác giám sát hoạt động của doanh nghiệp, thường các thành viên trong BKS phải hỗ trợ nhau để đảm bảo có ít nhất bốn kỹ năng chính. Đó là năng lực quản lý rủi ro, năng lực chuyên môn về kế toán kiểm toán, năng lực về hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và năng lực giám sát sự tuân thủ pháp luật. Thực tế rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có một đội ngũ BKS hội đủ bốn yếu tố này.
Nguyên nhân 4: Thiếu bộ máy giúp việc
Hiện tại, ngoại trừ lĩnh vực ngân hàng, BKS ở các doanh nghiệp đều không có bộ máy giúp việc. Nếu như trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về chức năng kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc BKS và báo cáo lên cho BKS thì trong các lĩnh vực khác, không có một quy định cụ thể về một bộ máy giúp việc cho BKS. Kết hợp với việc phần lớn BKS chỉ làm việc bán thời gian thì việc BKS không thể hoàn thành tốt chức năng của mình là một điều dễ hiểu.
Nguyên nhân 5: Thiếu công cụ, phương tiện làm việc
Ngoài việc thiếu bộ máy giúp việc, BKS còn thiếu công cụ thu thập thông tin phục vụ chức năng giám sát. Họ không được trang bị một hệ thống thông tin quản lý đặc thù cho công việc giám sát. Thông thường BKS chỉ dựa vào các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và chỉ tiếp cận được những thông tin chung mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Thậm chí có những thông tin BKS được nhận cho mục đích công việc giám sát công việc của họ là những thông tin mà một cổ đông thông thường cũng có được. Do đó, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của BKS.
Để BKS hoạt động hiệu quả
Ban kiểm soát đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động tài chính của doanh nghiệp, vì vậy cần có quy định rõ về thể chế của BKS để đảm bảo chức năng, quyền hạn và tính độc lập của BKS, không chịu ảnh hưởng của HĐQT hay ban điều hành. Ở các quốc gia theo hệ thống quản trị Anh và Mỹ, không tồn tại BKS mà chỉ tồn tại ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT.
Bên cạnh việc đề ra thể chế BKS một cách rõ ràng, cũng cần đưa ra các chế tài về việc thực hiện hoặc không thực hiện các chức năng quyền hạn của BKS để từ đó đảm bảo BKS thực hiện đúng và hiệu quả chức năng của họ.
ĐHĐCĐ và các bên có liên quan cần thay đổi nhận thức, nên coi BKS là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nên chỉ định thành viên BKS là những người có đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn về việc giám sát tài chính, bao gồm các năng lực chủ yếu như quản lý rủi ro, năng lực chuyên môn về kế toán, kiểm toán, quản lý tuân thủ, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, có đủ khả năng thẩm định, đánh giá các báo cáo rà soát.
Để BKS hoạt động hiệu quả, bên cạnh các giải pháp trên doanh nghiệp cũng cần thiết kế một hệ thống thông tin đặc biệt cho BKS, thành lập một bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc BKS để giúp ban thực hiện chức năng của mình. Bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập cần am hiểu hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp từ đó xác định ra các rủi ro có thể phát sinh, các kiểm soát cần phải thiết lập để ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, hiểu các yêu cầu, quy định doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, có kinh nghiệm thực hiện các công việc rà soát, kiểm toán. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) ghi nhận các nghiệp vụ tài chính, sử dụng ERP làm công cụ quản lý tự động cho một số các quy trình như quy trình mua/ bán, quản lý tài chính, ngân sách. Do đó, bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập cũng cần có kiến thức công nghệ thông tin để có thể thực hiện công việc rà soát, kiểm toán số liệu tài chính một cách hiệu quả.
——————————–
(*) Công ty PwC Việt Nam