Điểm hòa vốn (Break-even point) và phân tích điểm hòa vốn trong kinh doanh

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Monday 27/09/2021 - 21165 lượt xem.

Break-even point (BEP) / Điểm hòa vốn là gì?

Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó Tổng doanh thu bằng Tổng chi phí. Hay nói cách khác, sau khi đạt đến điểm hòa vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Cũng có thể nói, điểm hòa vốn là một phép tính tài chính để xác định số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà một doanh nghiệp cần bán hoặc cung cấp để trang trải chi phí của mình (đặc biệt là chi phí cố định).

Mục đích xác định điểm hòa vốn

  Xác định điểm hòa vốn nhằm:

  • Thiết lập một mức giá hợp lý để đưa ra thị trường.
  • Đạt mục tiêu hiệu quả nhất trong khi kết hợp giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi.
  • Để xác định thu hút và phân bổ tài chính trong các chiến lược khác nhau trong doanh nghiệp.
  • Được sử dụng trong phân tích tính hiệu quả của dự án kinh doanh.

Công thức tính

Điểm hòa vốn được xác định theo công thức chung như sau:

Tổng doanh thu (total sales) = Tổng chi phí (total cost)

Trong đó:

  • Tổng doanh thu là số tiền mà doanh nghiệp thu được sau khi bán sản phẩm.
  • Tổng chi phí là số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra để có thể sản xuất sản phẩm. Bao gồm chi phí cố định (FC) và chi phí biến đổi (VC).

Trước tiên, ta cùng tìm hiểu về chi phí cố định và chi phí biến đổi:

Chi phí cố định (Fixed costs): Chi phí cố định còn được gọi là chi phí chung. Những chi phí chung này xảy ra sau khi doanh nghiệp, cá nhân quyết định bắt đầu thực hiện một hoạt động kinh tế và những chi phí này liên quan trực tiếp đến mức độ sản xuất chứ không liên quan đến số lượng sản xuất. Chi phí cố định bao gồm lãi vay, thuế, tiền lương, tiền thuê, chi phí khấu hao, chi phí lao động, chi phí năng lượng… Các chi phí này là cố định bất kể doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh hay không. Trong trường hợp không sản xuất cũng phải chịu chi phí cố định.

Chi phí biến đổi (Variable costs): Là chi phí sẽ tăng hoặc giảm liên quan trực tiếp đến khối lượng sản xuất. Các chi phí này bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí đóng gói, nhiên liệu và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến sản xuất.

Công thức tính điểm hòa vốn cho một sản phẩm

Đối với doanh nghiệp kinh doanh một sản phẩm, công thức tính điểm hòa vốn sẽ được tính như sau:

Q = Fc / (Po – Vc)

Trong đó:

Q: Khối lượng sản phẩm hòa vốn.

Fc: Chi phí cố định (Định phí)

Po: Giá sản phẩm.

Vc: Chi phí biến đổi đơn vị (Biến phí đơn vị)

Ví dụ minh họa:

Công ty A chỉ sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm duy nhất là loa dùng cho ô tô. Số liệu thu được trong tháng 7/2021 như sau:

  • Số lượng bán: 400 chiếc loa
  • Đơn giá bán: 250$
  • Biến phí đơn vị: 150$
  • Định phí: 35.000$ / tháng

Báo cáo thu nhập theo hình thức lãi góp như sau:

 

Điểm hòa vốn sp loa được tính như sau:

Từ sản lượng hòa vốn, ta cũng tính được doanh thu hòa vốn:

               Doanh thu hòa vốn = Sản lượng hòa vốn * Đơn giá bán = 350*250=87.500$

Như vậy, với mức tiêu thụ 350 chiếc loa với doanh thu tương ứng là 87.500$ công ty sẽ đạt điểm hòa vốn. Nếu bán ít hơn 350 chiếc loa doanh thu công ty sẽ không đủ bù đắp chi phí, vì vậy sẽ thua lỗ. Tuy nhiên, nếu bán được hơn 350 chiếc loa mỗi tháng, công ty sẽ có đủ doanh thu để trang trải mọi chi phí và tạo ra lợi nhuận.

Ý nghĩa của việc xác định điểm hòa vốn trong kinh doanh

  • Khi đã xác định được điểm hòa vốn, doanh nghiệp có thể dự đoán về tính hiệu quả của dự án. Trong đó, nếu điểm hòa vốn càng nhỏ thì khả năng thua lỗ càng nhỏ và doanh nghiệp có khả năng thu về lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, nếu điểm hòa vốn càng thì tính hiệu quả của dự án không cao, khả năng thua lỗ lớn.
  • Đối với những doanh nghiệp có nhiều dự án và phương án khác nhau, sau khi đã tính toán được điểm hòa vốn sẽ giúp doanh nghiệp đó có thể cân nhắc và lựa chọn những phương án có điểm hòa vốn nhỏ để có thể giảm thiểu tối đa rủi ro và thu về lợi nhuận cao nhất.

Tuy nhiên, cách tính điểm hòa vốn đối với sự phát triển của một doanh nghiệp bên cạnh các ưu điểm vẫn còn tồn tại một số điểm nhược điểm cần cân nhắc, cụ thể:

Ưu điểm: Khi tính được điểm hòa vốn sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những chỉ tiêu về mức độ hoạt động tối thiểu cần thiết để họ có thể đạt được lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi biết được cụ thể sản lượng hòa vốn là bao nhiêu sẽ là bước quan trọng để các chủ đầu tư bàn bạc, đưa ra các biện pháp cụ thể để có thể đạt đến điểm hòa vốn trong thời gian ngắn nhất.

Nhược điểm: Mặc dù là một công cụ hữu ích cho doanh nghiệp nhưng điểm hòa vốn không thể hiện được rõ ràng quy mô lợi nhuận của dự án cũng như tính hiệu quả của số vốn mà doanh nghiệp bỏ ra. Bên cạnh đó, việc phân tích điểm hòa vốn cũng sẽ trở nên phức tạp  và tính chính xác không cao khi có đầu tư bổ sung thay thế.

Ứng dụng của việc phân tích điểm hòa vốn là gì?

Dưới đây là 4 trường hợp cụ thể mà việc phân tích điểm hòa vốn sẽ có ích cho bạn, cụ thể:

  1. Khi bắt đầu một hoạt động kinh doanh mới. Nếu bạn đang nghĩ đến việc bắt đầu một công việc kinh doanh mới, thì việc xác định điểm hòa vốn là điều bắt buộc. Nó không chỉ giúp bạn quyết định xem ý tưởng kinh doanh của mình có khả thi hay không mà giúp bạn nghiên cứu và hoạch toán về chi phí, cũng như có thể đưa ra chiến lược định giá, tính giá thành sản phẩm của mình.
  2. Khi tạo ra một sản phẩm mới. Nếu bạn đã có một doanh nghiệp, bạn vẫn nên thực hiện phân tích điểm hòa vốn trước khi đưa ra thị trường một sản phẩm mới. Ngay cả khi các chi phí cố định như thuê văn phòng, quảng cáo, …vẫn giữ nguyên thì bạn vẫn cần dự trù các chi phí biến đổi liên quan đến sản phẩm mới và thiết lập mức giá bán cần thiết.
  3. Thêm một kênh bán hàng mới. Hiển nhiên, khi nào bạn thêm một kênh bán hàng mới, chi phí của bạn sẽ thay đổi ngay cả khi giá bán của sản phẩm không thay đổi. Ví dụ: Nếu bây giờ bạn bắt tay vào việc kinh doanh sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, …bạn cần lên kế hoạch cho các chi phí bổ sung để quảng bá cho kênh bán hàng của mình. Theo đó, các chi phí này phải được tính là một phần trong khi phân tích điểm hòa vốn.
  4. Thay đổi mô hình kinh doanh. Nếu bạn đang muốn thay đổi mô hình kinh doanh như từ bán hàng online sang offline, bạn nên tiến hành phân tích điểm hòa vốn vì chi phí của bạn có thể bị thay đổi đáng kể.

Xin mời quý độc giả tham khảo các Thuật ngữ tài chính kế toán khác tại trang Trung tâm tư vấn Webketoan.

Tài liệu tham khảo: Sách Managerial Accounting – Tác giả Garrison, Noreen, Brewer

Luanvan99.com