TPO – Sáng ngày 21/7 tại Hội nghị Bộ LĐ-TB & XH đối thoại với doanh nghiệp (DN) về tình hình thực thi pháp luật lao động, nhiều DN kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng và tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2018.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Cty May 10 kiến nghị lãnh đạo Bộ LĐ-TB & XH có ý kiến để không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Vì ngành may mặc và nhiều ngành khác hiện nay trả lương theo sản phẩm, với mức bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có khoảng 5% lao động DN phải bù lương vì tay nghề không đáp ứng được yêu cầu. Nếu tăng lương lên hơn 4 triệu đồng, nhiều người lao động có năng suất không đạt mức lương tối thiểu sẽ có tâm lý ỷ lại, không nỗ lực làm việc để tăng sản lượng, gây thêm áp lực tài chính lên DN.
Theo ông Việt, hiện mức đóng BHXH cũng rất cao (DN phải đóng khoảng 22%). Với thay đổi cách tính năm 2017, số tiền đóng BHXH phát sinh thêm 22 tỷ đồng so với năm 2016. Trong khi một số nước trong khu vực, như Myanmar đang cạnh tranh với Việt Nam, DN lại không mất phí BHXH. Từ năm 2018, lương tính đóng BHXH ngoài lương sẽ còn các khoản phụ cấp, bổ sung, chi phí đóng BHXH của DN sẽ rất lớn.
Ngoài ra, đại diện Cty May 10 cũng kiến nghị sửa đổi quy định về giờ làm thêm, vì quy định hiện hành giờ làm thêm quá ít, trong khi nước còn nghèo. Nhiều nước phát triển khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… có giờ làm thêm cao hơn Việt Nam nhiều. Cùng đó là quy định về lao động nữ…
Đặc biệt, ông Việt kiến nghị Bộ LĐ-TB & XH có ý kiến để công đoàn cơ sở được giữ lại khoảng 90% phí công đoàn. Vì hiện phí công đoàn của người lao động phải đóng 40% lên công đoàn cấp trên, trong khi ít có hoạt động hỗ trợ người lao động và DN. Kiến nghị này của ông Việt được cả hội trường vỗ tay ủng hộ.
Những kiến nghị trên của đại diện Cty May 10 cũng được không ít DN lặp lại sau đó.
Không thể không tăng
Phúc đáp những kiến nghị của DN, ông Lê Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB & XH) cho rằng, Bộ Luật Lao động đã quy định về lộ trình tăng lương tối thiểu vùng, nên năm 2018 không thể không tăng. Tuy nhiên, theo ông Thành, mức tăng vẫn đang được Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn thảo, chưa có mức tăng cụ thể.
Về tiền lương tính đóng BHXH, ông Thành cũng giải đáp rằng, Luật BHXH đã quy định vậy, nên cũng không thể không thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Thành, các khoản phụ cấp ngoài lương sẽ tính vào lương để đóng BHXH là những khoảng cố định ghi trong hợp đồng. Không phải những khoản tăng giảm theo từng tháng, hay năng suất lao động, như tiền tăng ca, các khoản thưởng, hỗ trợ mang thai, nuôi con nhỏ…
“Các kiến nghị của DN chúng tôi sẽ ghi nhận, nhưng những gì luật đã quy định vẫn phải thực hiện”, ông Thanh nói.
Thứ trưởng LĐ-TB & XH Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia bổ sung thêm, ở phiên họp thứ nhất của Hội đồng, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 mức 13,3%; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng dưới 5%. Hội đồng họp theo cơ chế thương lượng để tìm điểm cân bằng giữa người lao động, DN và xã hội.
Theo ông Diệp, kiến nghị của Cty May 10 không phải mới, trước đó nhiều DN, hiệp hội đã kiến nghị, vì sức khỏe DN còn yếu. Nhưng Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho rằng, không tăng lương sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu. Bên nào cũng có lý của mình. “Trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi tạo điều kiện cho các bên thương lượng. Để cải thiện đời sống người lao động, phù hợp năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng, sức chi trả của DN”, ông Diệp nói.
Tuy vậy, vị Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, DN cũng cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, cố gắng chăm lo tốt hơn cuộc sống người lao động.
Còn việc sửa đổi quy định về mức lương tính đóng BHXH, theo ông Diệp, do quy định trong luật nên thẩm quyền sửa đổi phải là Quốc hội.
Nguồn: Lê Hữu Việt – Báo tiền phong