Due Diligence là gì? Các hình thức thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 02/10/2024 - 1020 lượt xem.

Trong thế giới kinh doanh hiện đại, việc thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong các giao dịch mua bán, sáp nhập, hoặc đầu tư. Một công cụ không thể thiếu trong quá trình này là Due Diligence. Vậy, Due Diligence là gì? Có những hình thức thẩm định nào? Hãy cùng Webketoan khám phá chi tiết trong bài viết sau đây!

Due Diligence là gì?

Due Diligence (DD) là quá trình điều tra về một doanh nghiệp hoặc cá nhân trước khi tiến hành ký kết hợp đồng. Nói cách khác, đây chính là cuộc thẩm định chuyên sâu giúp doanh nghiệp có cái nhìn chi tiết hơn về những rủi ro tiềm ẩn cũng như các cơ hội phát triển trong tương lai. Nhìn chung, mục tiêu chính của thuật ngữ Due Diligence là cung cấp thông tin cho bên mua nhằm giúp họ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu chính xác và khách quan nhất.

Due Diligence là gì? – Webketoan

Thời gian thực hiện thẩm định DD thường kéo dài trong khoảng một tháng. Tuy nhiên, thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào độ phức tạp của giao dịch hoặc được gia hạn trong một vài tình huống đặc biệt. Quá trình thẩm định đòi hỏi cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa bên mua và bên bán, đồng thời tuân thủ nguyên tắc bảo mật từ khi bắt đầu quá trình thẩm định bởi bảo mật thông tin là ưu tiên hàng đầu trong quá trình Due Diligence.

Due Diligence bao gồm những hình thức nào?

Due Diligence (DD) bao gồm nhiều hình thức kiểm tra và đánh giá khác nhau, tùy thuộc vào mục đích cụ thể của quá trình thẩm định và ngành liên quan. Cụ thể, có các hình thức thẩm định sau.

Thẩm định tài chính (Financial Due Diligence)

Thẩm định tài chính tập trung vào việc kiểm tra và xác minh các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của một doanh nghiệp như thu nhập, tài sản, dòng tiền, nợ vay, công nợ, thuế và các kế hoạch tài chính. Những thông tin này sẽ là cơ sở cung cấp cho nhà đầu tư để họ đưa ra được các kết luận và đánh giá khách quan về hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thẩm định thương mại (Commercial Due Diligence)

Quá trình thẩm định thương mại tập trung chủ yếu vào việc đánh giá môi trường kinh doanh mà cá nhân hoặc doanh nghiệp đang hoạt động. Quá trình thẩm định này bao gồm một loạt các hoạt động như đánh giá đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu về khách hàng và đánh giá các giả định liên quan đến việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Thẩm định pháp lý (Legal Due Diligence)

Quá trình thẩm định pháp lý là giai đoạn quan trọng giúp nhà đầu tư nắm bắt và kiểm tra được các thông tin liên quan đến mặt pháp lý của doanh nghiệp. Từ những thông tin này, nhà đầu tư có thể đánh giá rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp có thể đối mặt. 

Thẩm định thuế (Tax Due diligence)

Quá trình thẩm định thuế đóng vai trò quan trọng, giúp nhà đầu tư hiểu rõ và đo lường được các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến khía cạnh thuế của cá nhân hay tổ chức. Thông qua việc đo lường này, họ có thể dễ dàng đưa ra quyết định chính xác về việc đầu tư vốn một cách có hiệu quả.

Thẩm định tài sản trí tuệ (Intellectual Property Due Diligence)

Bất cứ tổ chức nào cũng đều sở hữu tài sản về mặt trí tuệ để có thể phục vụ cho các hoạt động kinh doanh. Trong hình thức thẩm định này, các giấy tờ mà nhà đầu tư cần chú ý bao gồm: bằng sáng chế, bản quyền thương hiệu, tên thương hiệu và các khiếu nại đang chờ xử lý.

Quy trình thực hiện Due Diligence tại doanh nghiệp

Quy trình thực hiện Due Diligence – Webketoan

Quy trình thực hiện Due Diligence tại một doanh nghiệp có thể phức tạp và thay đổi tùy thuộc vào loại giao dịch, ngành nghề. Tuy nhiên, dưới đây là 9 bước cơ bản để tham khảo:

    • Bước 1 – Thu thập về vốn hóa của công ty: Vốn hóa của doanh nghiệp là chỉ số quan trọng và là dấu hiệu cho thấy sự biến động của cổ phiếu, mức độ sở hữu cũng như quy mô thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động. Nghiên cứu chi tiết về vốn hóa giúp nhà đầu tư xác định được doanh nghiệp và hiểu rõ hơn về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trong thị trường.
    • Bước 2 – Cập nhật doanh thu, lợi nhuận và tiền ký quỹ: Ngoài việc phân tích các báo cáo thu nhập, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến phần doanh thu bao gồm chi phí hoạt động, tiền ký quỹ,…  để so sánh chi tiết và đưa ra được quyết định chính xác nhất.
    • Bước 3 – Phân tích về đối thủ cạnh tranh: Nếu không hiểu biết kỹ về đối thủ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác sự tăng trưởng và vị thế của công ty trong tương lai. Vì vậy, nhà đầu tư cần thiết lập một danh sách các đối thủ cạnh tranh, sau đó thực hiện phân tích và so sánh các tỷ suất lợi nhuận để có cái nhìn tổng thể về thị trường.
    • Bước 4 – Định giá:  Dựa trên các phân tích, nhà đầu tư sẽ xác định giá trị của doanh nghiệp mà họ định đầu tư. Mức đầu tư cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào tiềm năng và khả năng phát triển của doanh nghiệp.
    • Bước 5 – Quản lý và phân quyền quản lý:  Sau khi xác định giá trị và quyền quản lý, bạn có thể điều chỉnh và phân lại quyền quản lý để có hướng phát triển tốt nhất trong tương lai. Trong một số trường hợp, quyền quản lý có thể phụ thuộc vào việc sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, vẫn có những tình huống ngoại lệ như nhà sáng lập vẫn có thể tham gia quản lý mặc dù nắm giữ cổ phần ít hơn.
    • Bước 6 – Lập bảng cân đối kế toán: Bảng cân đối kế toán sẽ cho biết chi tiết về tài sản và các khoản nợ phải trả. Sau quá trình phân tích, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ ràng về các khoản nợ theo từng mô hình và ngành nghề kinh doanh cụ thể.
  • Bước 7 – Phân tích lịch sử cổ phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cần thực hiện phân tích chi tiết biến động của cổ phiếu, bao gồm những biến động ngắn hạn và dài hạn. Tuy vậy, kết quả cũng chỉ mang tính tương đối và có thể không ảnh hưởng đến sự biến động trong tương lai.
  • Bước 8 – Chú ý đến khả năng cổ phiếu trên thị trường: Một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư cần chú ý là lượng cổ phiếu hiện đang tồn tại và cách nó ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra được đánh giá chính xác và quyết định một cách chính xác nhất trong quá trình đầu tư.
  • Bước 9-  Kiểm tra rủi ro ngắn và dài hạn: Đây là một phần không thể thiếu trong quy trình quyết định đầu tư, cũng như trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp hiện nay. 

Trong thị trường kinh doanh đầy biến động ngày nay, việc thực hiện Due Diligence không chỉ là bước cần thiết mà còn là yếu tố quyết định quan trọng trong mọi quyết định chiến lược. Thông qua bài viết trên, Webketoan hy vọng có thể mang đến cho bạn cái nhìn tổng quát nhất về Due Diligence là gì và các thông tin liên quan.

Tài liệu tham khảo: thuvienphapluat.vn, dnse