Đừng “ham tiền” mà nghe Sếp làm trái pháp luật, Sếp lo cho Sếp còn chưa được, lo sao được cho mình

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 23/05/2017 - 12065 lượt xem.

Chủ tịch SSI nhắn nhủ với dân tài chính rằng, Sếp chỉ đáng để các bạn tin cậy khi không bao giờ ép các bạn làm sai, hoặc khi các bạn nói lại Sếp sẽ hiểu và đánh giá cao bạn. Nếu các bạn vượt rào vì cá nhân thì hãy nghĩ lại, tiền bạc rất quý nhưng đến lúc lao lý, bệnh tật tiền bạc sẽ chẳng có nghĩa gì

Trước đó, khi phiên tòa xét xử những vi phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương Oceanbank đang diễn ra thì cùng với đó, câu chuyện về rủi ro nghề nghiệp của những người làm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trở thành vấn đề nóng khi “những người đi làm thuê” cũng bị ra trước vành móng ngựa vì tội cố ý làm trái.

Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI có những chia sẻ với giới tài chính, chứng khoán, ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nếu trong công việc Sếp bảo chúng ta làm những việc trái pháp luật, thì chúng ta đừng bao giờ làm, kể cả khi Sếp nói rằng họ có người “chống lưng” phía sau. Khi vào vòng lao lý, Sếp lo cho thân Sếp còn chưa xong, lo làm sao được cho chúng ta.

Mỗi người hãy bỏ ra 10 phút để xem lại những gì mình làm trong thời gian qua để xác định cho mình một nguyên tắc cho thời gian tới. Ngành của chúng ta nhiều cám dỗ, nhiều cơ hội để trục lợi nhưng cũng chính vì vậy nên cũng nhiều rủi ro lắm. Các sản phẩm tài chính trá hình, tham gia tổ lái, vi phạm các quy định về giao dịch, tín dụng, thế chấp… mọi thứ chỉ cần tặc lưỡi đều có thể mang lại một nguồn lợi.” – ông Hưng viết.

Khi làm được một lần, mình sẽ nghĩ mọi chuyện đơn giản, tiền bạc làm mờ mắt và một phần thấy đã trót lọt kiếm lời, không còn thấy vượt rào là rủi ro thì việc vi phạm sẽ là việc làm hàng ngày. Khi vi phạm là việc hàng ngày thì có nghĩa là việc đứng trước vành móng ngựa chỉ còn là may rủi hay khi nào thôi.

Nếu vì tiền vì tham cho mình rồi dính vòng lao lý, tuy đau thương nhưng thôi thì “có gan làm thì có gan chịu”. Nhưng nếu chỉ vì nghe theo Sếp phải làm trái thì đừng bao giờ các bạn làm, khi các Sếp nói các bạn làm trái họ luôn nói “bọn em đừng sợ, anh quen người này, anh có người kia chống lưng, các em cứ yên tâm“.

Nhưng đến khi vào vòng lao lý, các bạn mới thấy rằng chỉ có pháp luật mới giúp được mình, Sếp lo cho Sếp còn chưa được, lo sao được cho mình, thậm chí rất nhiều Sếp còn đổ trách nhiệm ngược lại cho mình, quên mất rằng khi các bạn làm là tuân lệnh Sếp.

Ông Hưng nhấn mạnh, vì nhiều lý do khác nhau như tin vào khả năng của Sếp, chủ quan nghĩ không sao đâu ai chẳng như vậy, vì lợi trước mắt hay bị ép buộc sợ mất việc nếu không làm theo ý Sếp… hay vì một lý do nào khác mà các bạn vượt rào vi phạm, thì hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.

Sếp chỉ đáng để các bạn tin cậy khi không bao giờ ép các bạn làm sai, hoặc khi các bạn nói lại Sếp sẽ hiểu và đánh giá cao bạn. Nếu các bạn vượt rào vì cá nhân thì hãy nghĩ lại, tiền bạc rất quý nhưng đến lúc lao lý, bệnh tật tiền bạc sẽ chẳng có nghĩa gì.” – Chủ tịch SSI nói.

Theo ông Hưng, nếu tất cả những người làm trong ngành này nói không với vượt rào, tuân thủ các quy định thì ngay cả để cạnh tranh cũng sẽ rất lành mạnh. Người lao động hãy vì an toàn cho chính mình thì ngay cả các ông chủ muốn làm sai cũng chẳng làm được.

Không ai yêu mình bằng chính mình, không ai bảo vệ mình bằng chính mình. Các bạn xin đừng quên điều đó. Tôi nói với các bạn tâm tình của một đồng nghiệp và cũng là một Sếp của ngành này. Với nhân viên của tôi, không bao giờ tôi yêu cầu ai làm trái kể cả vì công ty hay vì cá nhân tôi, nếu có ai cố ý làm trái vì bất kể lý do gì nếu tôi phát hiện ra tôi sẽ xử lý, thậm chí buộc thôi việc!

Nguồn: Hà Phương – Trí thức trẻ